Kinh doanh vàng trang sức sau Nghị định 24: Rủi ro, bất ổn vì DN mua nguyên liệu trôi nổi

Thứ Hai, 09/09/2013, 08:41
Sau khi bị “siết” kinh doanh vàng miếng, hầu hết các doanh nghiệp (DN) không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng, đều chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên, do bị cấm nhập khẩu nguyên liệu, nên hàng ngàn DN này đang rơi vào tình trạng điêu đứng. Nhiều DN “nhắm mắt” mua vàng trôi nổi, không ổn định cả về nguồn nguyên liệu cũng như giá cả, chất lượng, khiến cho thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn.
>> Dòng vàng đang chảy về đâu?

Cấm doanh nghiệp nhập khẩu: lợi bất cập hại

Theo tính toán của ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thì trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20 - 30%, còn 70-75% là vàng sản xuất vàng miếng, trong tổng nhu cầu vàng nguyên liệu trên thị trường. Mỗi năm cả nước tiêu thụ 70-100 tấn vàng, nghĩa là nhu cầu vàng trang sức khoảng 20 tấn vàng. Vì nhu cầu lớn, mà thời gian qua, NHNN cấm không cho các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, nên để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các DN sản xuất vàng trang sức đã phải mua trôi nổi trên thị trường, chấp nhận giá cao, vì thứ nhất thiếu cung, thứ 2 là thị trường vàng trong nước đang có khoảng cách chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.

“Thị trường vàng trang sức lẽ ra phải phát triển, vì chủ trương của Chính phủ là thu hẹp sản xuất vàng miếng. Song, thực chất là khó thu hẹp được, vì hàng tuần cứ tung ra nhiều tấn vàng đấu thầu, như vậy lại làm trầm trọng hơn vàng hóa. Tuy nhiên, thời điểm này, NHNN không thể không cung vàng, nhưng nếu cứ tiếp tục đấu thầu, có vẻ không ổn”, ông Bảng nghi ngại.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại hơn 2/3 trong tổng số gần 3.000 DN kinh doanh vàng và trang sức ở thành phố đang bế tắc trong kinh doanh, do bị chặn nguồn vốn sản xuất; bị cạnh tranh gay gắt từ vàng trang sức Trung Quốc. Ông Đinh Nho Bảng phân tích: Thị trường vàng đang có một ngã rẽ: một bên là vàng trang sức, một bên là vàng miếng. Lâu nay, do thói quen của người dân Việt Nam, nên các DN chủ yếu tập trung kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức chỉ 25 - 30%. Khi Chính phủ ra Nghị định 24 siết chặt lại sản xuất vàng miếng, Hiệp hội vàng công nhận là đúng đắn, nhưng nếu vậy, phải mở ra con đường sản xuất vàng trang sức cho DN. Muốn thắt bên này phải mở bên kia, mà phải mở ra đường lớn, một “đại lộ” chứ không phải “ngõ nhỏ”. Đời sống đã nâng lên, nên nhu cầu vàng trang sức cũng tăng. Đáng lẽ, khi thắt vàng miếng phải mở đường rộng cho DN sản xuất vàng trang sức đi. Đằng này, dù Nghị định 24 không “khóa” vàng trang sức, thậm chí còn khuyến khích, nhưng thực tế, không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, DN phải mua trôi nổi trên thị trường, chẳng khác gì cửa không đóng, nhưng then vẫn cài.

“Cái hại của việc mua trôi nổi, thứ nhất là không ổn định nguồn nguyên liệu; thứ hai không tính toán được hiệu quả vì giá vàng trôi nổi cao hơn nhiều giá quốc tế, không ổn định, hơn nữa, Việt Nam không phải chỉ vàng trôi nổi, mà vàng “chính thống” cũng cao hơn giá thế giới rất nhiều. Đấy là chưa kể rủi ro cao hơn vì vàng thật, vàng giả. Tóm lại, từ tác hại của mua vàng trôi nổi là giá cao hơn, rủi ro lớn hơn, nguyên liệu không ổn định… nên khiến DN kinh doanh vàng trang sức gặp khó khăn.

Đời sống nâng lên, nhu cầu vàng trang sức ngày càng phát triển. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Doanh nghiệp sẽ sớm được nhập khẩu nguyên liệu

Cấm nhập khẩu vàng nguyên liệu, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nếu nhìn về góc độ an sinh xã hội, DN không tạo được công ăn việc làm cho người lao động... Bên cạnh đó, không khuyến khích vàng trang sức phát triển, các DN lại loay hoay vàng miếng, càng khó khăn hơn cho quản lý. Hơn nữa, việc chuyển đổi sản xuất cũng không hề dễ, nên nhiều DN chết hàng loạt, trong đó có DN vàng. Bởi vậy, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng muốn thực thi chính sách, phải có định hướng lâu dài, phải hy sinh cái nhỏ để đạt cái lớn. Mà cái lớn ở đây là ngành sản xuất vàng trang sức. Nếu không, sẽ biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ vàng nước ngoài, kể cả vàng nguyên liệu lẫn vàng trang sức. Thạc sĩ Cao Xuân Lãnh, Phó Tổng Giám đốc SJC cũng cho rằng, nhu cầu về vàng, nữ trang vàng là nhu cầu thực tế, có thực trong đời sống con người từ lâu đời, vì vậy cần có chính sách kinh tế phù hợp để điều chỉnh, phát triển. Quan điểm để phát triển thị trường vàng trang sức: phát triển theo định hướng khách hàng; đồng bộ, toàn diện và dựa trên nội lực là chính. Nhà nước nên hỗ trợ vốn ngân sách cho công tác nghiên cứu phát triển, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ phục vụ cho quy hoạch, xây dựng ngành công nghiệp trang sức Việt Nam.

Trước thực trạng khó khăn của ngành sản xuất vàng trang sức, đại diện Vụ chức năng của NHNN khẳng định: NHNN sẽ sớm cấp phép cho các hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng chỉ cho các DN có đủ điều kiện. Trước đó, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng quy định, ngoài việc NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu về, NHNN có thể xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho DN, khi DN đã được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và DN kinh doanh vàng. Mặt khác, DN kinh doanh vàng này phải có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được NHNN cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

“Nếu đưa cho DN vàng trang sức tự nhập khẩu thì vẫn có thể quản lý được vì có đơn hàng ra, hơn nữa nhu cầu nhỏ, chỉ khoảng vài chục tấn. Đổi lại, nhà nước không mất ngoại tệ, DN tự chịu rủi ro, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất vàng trang sức cho thị trường, tạo điều kiện có thể xuất khẩu được trang sức, tạo công ăn việc làm, giúp DN chuyển đổi từ sản xuất vàng miếng sang vàng trang sức”, ông Bảng nhận xét. Như vậy, có vẻ “lối thoát” cho các DN sản xuất vàng trang sức đã được hứa hẹn, dù sớm là bao giờ thì còn chưa biết. Mong rằng NHNN sẽ sớm vào cuộc, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”

Hà An
.
.
.