Kim ngạch Việt - Nhật sẽ đạt 18 tỷ USD/năm

Thứ Ba, 12/06/2007, 08:09
Một quan chức ngoại giao nhận định: Ngoài những mặt hàng đang xuất nhiều vào Nhật hiện nay những lĩnh vực khác như cơ khí, nông sản chế biến, da giày, đồ nhựa... vẫn có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Nhật ngay sau khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật được ký kết.

Hiệp định đối tác kinh tế Việt -Nhật được ký kết sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa giao thương và đầu tư giữa hai nước. Ông Nguyễn Trung Dũng - tham tán thương mại VN tại Nhật cho biết:

- Phiên đàm phán lần 3 của Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật vừa kết thúc tại Tokyo sau hai ngày làm việc. Tại phiên đàm phán này, cả hai phía VN và Nhật đều đưa ra bản chào mới nhất liên quan đến nội dung đàm phán.

Trong đó ở lĩnh vực như đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp, lao động... nếu như trước đây cả hai bên đều có những quan điểm khác biệt thì ở lần đàm phán này, theo nhận định của riêng cá nhân tôi, hai bên đã thống nhất nhiều vấn đề.

Điều quan trọng là cả hai bên đều mong muốn sớm kết thúc đàm phán ngay trong năm nay. Đây là điều hết sức thuận lợi cho các phiên đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 7/2007 tại VN.

- Chúng ta đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận với Nhật, nay thêm hiệp định song phương, liệu hiệp định này có mở thêm cửa cho hàng hóa của cả hai nước?

- Quan hệ  VN - Nhật đang trong giai đoạn tốt nhất trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về thương mại, đầu tư, du lịch đã có bước phát triển nhảy vọt. Năm 2006 kim ngạch thương mại đạt gần 10 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế hàng VN vào Nhật vẫn gặp những trở ngại.

Nếu hiệp định sớm được ký kết với việc mở rộng diện các mặt hàng trong danh mục hưởng chế độ ưu đãi thuế quan sẽ tạo điều kiện cho hàng VN có thế mạnh thâm nhập thị trường Nhật như: nông sản, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, thủy sản...

Việc ký kết hiệp định không chỉ đơn thuần là mở cửa thị trường, thuận lợi hóa trong thương mại mà còn mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau: đầu tư, du lịch, di chuyển thể nhân, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi giao lưu văn hóa.

VN sẽ tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật của Nhật thông qua các chương trình  hợp tác về khoa học công nghệ, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng... để nhanh chóng công nghiệp hóa đất nước.

- Hàng VN vào Nhật vẫn gặp trở ngại về hàng rào kỹ thuật, nội dung đàm phán có đề cập vấn đề này không, thưa ông?

- Vừa qua, để bảo vệ sản xuất trong nước, Nhật đã đưa ra nhiều qui định về an toàn thực phẩm  và có xu hướng ngày càng thắt chặt đối với các nước. Những rào cản này được hai bên bàn thảo khá kỹ lưỡng, chắc chắn khi hiệp định được ký kết hai nước sẽ đi đến chấp nhận các chứng chỉ, kết quả kiểm nghiệm của nhau trên một số lĩnh vực.

Khi đó, với mặt hàng hoa quả tươi chẳng hạn, nếu cơ quan kiểm dịch VN đồng ý cho xuất (sau khi kiểm dịch) thì phía Nhật cũng sẽ chấp nhận kết quả và cho nhập vào. Như vậy chắc chắn hàng rào kỹ thuật sẽ được đơn giản hóa rất nhiều.

- Nhiều chuyên gia dự báo nếu hiệp định sớm được ký kết,  kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ không dưới 18 tỷUSD vào năm 2010. Con số này theo ông là có quá lạc quan?

- Trong nhiều năm làm tham tán tại thị trường Nhật, tôi nhận thấy chưa bao giờ giới thương gia Nhật lại quan tâm nhiều đến thị trường VN như hiện nay.

Mới đây nhất vào những ngày đầu tháng 6/2007 vừa qua, Bộ Thương mại cùng với Thương vụ ĐSQ VN tại Nhật tổ chức hai cuộc hội thảo xúc tiến thương mại tại Fukuoka và Tokyo đã có hàng trăm doanh nghiệp Nhật tham gia. Nhiều doanh nghiệp phân phối lớn của Nhật cho biết sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng chất lượng cao của VN đưa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại...

Tôi cho rằng ngoài những mặt hàng đang xuất nhiều vào Nhật hiện nay như thủy sản, đồ gỗ, dệt may..., những lĩnh vực khác như cơ khí, nông sản chế biến, da giày, đồ nhựa... vẫn có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường này ngay sau khi hiệp định được ký kết. Để đón đầu cơ hội này, theo tôi, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị thật kỹ về chất lượng cũng như mẫu mã, đặc biệt là khả năng cung cấp hàng với số lượng lớn.

Những qui định khắt khe của Nhật về vệ sinh an toàn thực phẩm đang là rào cản cho hàng VN cũng như nhiều nước khác vào thị trường Nhật.

Thông thường, các lô hàng nông sản, thực phẩm của DN VN về đến cửa khẩu thì Nhật Bản chỉ kiểm tra đại diện 5%, trong trường hợp phát hiện có vi phạm thì không chỉ lô hàng của DN đó mà có thể toàn bộ các DN VN khác xuất khẩu cùng loại hàng vào Nhật sẽ bị kiểm tra 50% kéo dài trong vòng một năm.

Nếu tiếp tục vi phạm, ngay lập tức bị áp dụng lệnh kiểm tra 100%.

Theo Xuân Toàn (Tuổi trẻ)
.
.
.