Kim cương và mê trận hàng nhân tạo

Thứ Năm, 08/09/2011, 09:08
Một chuyên gia về kim cương cho biết, bình thường một viên kim cương màu xanh ngọc hoặc màu đen có giá thành đắt hơn kim cương không màu 5-10 lần, nhưng đa số các cửa hàng bán với giá bằng kim cương không màu. Thực ra, đó là màu nhân tạo mà ngay cả nhiều trung tâm kiểm nghiệm cũng không thể phân biệt được.

Trong khi vàng, bất động sản, chứng khoán đang bộc lộ những trồi sụt, may rủi chưa từng có thì nhiều nhà đầu tư thế giới đã bắt đầu nghĩ đến một kênh trú ẩn an toàn hơn, đó là kim cương. Ở Việt Nam, kim cương chưa được coi là một kênh đầu tư, nhưng vài năm trở lại đây nó cũng bắt đầu sôi động, bất chấp sự suy thoái của kinh tế. Nhưng một thị trường "mới lớn" tất yếu tồn tại những bất cập, và kim cương cũng không phải ngoại lệ.

Chưa phải kênh đầu tư và mê trận hàng lậu

Bà Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty Kim cương Kita, khẳng định, kim cương chưa bao giờ được coi là kênh đầu tư, chỉ được coi là kênh bảo toàn tài sản. Nó thể hiện ở chỗ Việt Nam không bao giờ xuất khẩu kim cương, vì đó là kênh để dành. Những người sử dụng kim cương là người dân, chứ không phải doanh nghiệp.

Mua kim cương vừa nhằm thỏa mãn sở thích trang sức, đồng thời đây cũng chính là tài sản bảo chứng của chủ nhân, thể hiện đẳng cấp của mình. Và thị trường kim cương ở Việt Nam vẫn chỉ được coi là thị trường ngách với doanh số trên 200 triệu USD mỗi năm.

Giám đốc một doanh nghiệp vàng, bạc, đá quý lớn cũng cho rằng xu hướng lựa chọn kim cương ở khách hàng Việt Nam cũng thể hiện rằng số người mua để đầu tư không nhiều. Cụ thể là có tới 70% khách hàng chọn mua trang sức kim cương, chỉ có 30% còn lại mua kim cương rời. Với mặt hàng trang sức kim cương, khi phải bán lại có thể họ sẽ bị thiệt thòi về giá so với vàng nhưng bù lại thì họ được "nâng cấp" ở mặt giao tế. Còn nếu đầu tư vào kim cương có thể coi là một kênh khá an toàn, vì giá kim cương không biến động liên tục như vàng, trước khi giá lên hoặc xuống đã có tín hiệu báo trước, và khoảng cách giữa lên và xuống luôn khá xa. Chỉ có điều, tính thanh khoản của kim cương còn thấp, cộng với sự "mập mờ" của thị trường khiến nó chưa trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn ở Việt Nam.

Có thể nói, việc kinh doanh kim cương đem lại lợi nhuận không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp nhưng chưa một doanh nghiệp nào chính thức công bố về số lượng nhập khẩu, doanh số bán ra… Sở dĩ vậy vì đây luôn là vấn đề "nhạy cảm", trong đó một số lượng không nhỏ là kim cương nhập lậu. Do đặc thù của kim cương có giá trị cao, dễ vận chuyển nên các đối tượng buôn lậu có thể dễ dàng "qua mặt" cơ quan quản lý.

Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng, mỗi năm có khoảng 300 triệu USD kim cương nhập lậu vào Việt Nam và con số này không ngừng gia tăng, chiếm tới khoảng 50% lượng kim cương tại Việt Nam.

GS.TS Phan Trường Thị - Viện trưởng Viện Đá quý - Vàng và Trang sức Việt - một đơn vị giám định đá quý lớn của Việt Nam cho biết, phần lớn kim cương trên thị trường Việt Nam ngay cả ở các doanh nghiệp kinh doanh lớn cũng không rõ nguồn gốc, phần là kim cương nhập lậu từ các nước như Thái Lan, Hồng Kông…, phần nữa là "kim cương máu". "Kim cương máu" là loại kim cương được bán ra từ các mỏ khai thác ở châu Phi với mục đích mua vũ khí, ma túy, giá thành thường thấp hơn giá bình thường rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cũng nhập loại kim cương này nhưng không cách nào để biết được nguồn gốc.

Mua kim cương được coi là một kênh bảo toàn tài sản.

Một vấn đề nữa khiến tình trạng kim cương lậu trở nên nhức nhối ở Việt Nam, đó là chính sách thuế. Mặc dù nhiều năm nay, Bộ Tài chính đã giảm thuế suất xuống 0% để khuyến khích hoạt động sản xuất đồ trang sức của các doanh nghiệp trong nước, nhưng lượng kim cương nhập khẩu bằng con đường chính ngạch vẫn rất hạn chế, vì trở ngại lớn hiện tại là thuế giá trị gia tăng đánh trên sản phẩm hiện nay là 10% khiến giá sản phẩm đội lên quá cao. Việc các doanh nghiệp mua kim cương lậu là không khó giải thích.

Và mập mờ kim cương nhân tạo

Gần đây, trên thị trường Việt Nam còn xuất hiện loại đá được quảng cáo là "kim cương nhân tạo" với giá bán khoảng vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý lớn thì dây chỉ là một loại đá tổng hợp (Cubic Zirconia) có màu trắng trong suốt, được gia công qua khâu mài để có thêm đặc tính chiếu sáng như kim cương, nhưng chỉ một thời gian ngắn (khoảng 6 tháng) sau khi tiếp xúc với hóa chất và bị trầy xước trong quá trình sử dụng, những hạt đá này sẽ bị xuống màu. Loại đá này thực ra có giá thành rất rẻ, chỉ 50.000-100.000 đồng/hạt.

Một sản phẩm đá tổng hợp khác có tên Moissanite, có độ cứng và độ khúc xạ ánh sáng tương đương với kim cương tự nhiên cũng được bán ra tại Việt Nam cách đây mấy năm với giá thấp hơn kim cương tự nhiên 15-20 lần. Nhưng những loại đá này không thể gọi là kim cương nhân tạo.

Theo tài liệu của Viện Đá quý Hoa Kỳ, kim cương nhân tạo phải đạt được những tính chất giống như kim cương tự nhiên về trọng lượng riêng, chiết xuất, độ cứng... Do vậy, giá thành của một viên kim cương nhân tạo không hề rẻ, và kim cương nhân tạo có giá vài trăm nghìn đồng là hoàn toàn phi lý.

Làm sao để lành mạnh hóa thị trường

Điều mà ai cũng biết, đó là hiện nay chất lượng kim cương ở nước ta đang bị thả nổi. Dù vài năm trở lại đây, hầu hết khách hàng đã mua bán kim cương trên những chứng thư kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, hệ thống kiểm định của Nhà nước đang thiếu sót, chưa có chuẩn nào cho các công ty thẩm định kim cương trong nước, mà tất cả đều tự thành lập và kiểm định.

GS Phan Trường Thị cho biết, hiện nay nước ta mới chỉ có vài trung tâm kiểm định độc lập, còn lại đa số nằm trong các doanh nghiệp kinh doanh, họ tự kinh doanh và tự kiểm định. Như thế, đơn vị kiểm định rõ ràng không đứng ở vị trí "trọng tài", khó khách quan. Chính sự bất cập của các đơn vị kiểm định nên giá thành của viên kim cương cũng khác nhau tùy vào trung tâm kiểm định có uy tín hay không.

Dạo qua một số cửa hàng vàng bạc, có thể thấy giá thành các viên kim cương khá chênh lệch. Một chuyên gia về kim cương cho biết, bình thường một viên kim cương màu xanh ngọc hoặc màu đen có giá thành đắt hơn kim cương không màu 5-10 lần, nhưng đa số các cửa hàng bán với giá bằng kim cương không màu. Thực ra, đó là màu nhân tạo mà ngay cả nhiều trung tâm kiểm nghiệm cũng không thể phân biệt được.

Còn việc "nâng đời" kim cương như tuổi thọ, nước và nhiều chỉ số khác thì càng không khó, các tiệm vàng chỉ cần tự kê lên các chỉ số trên thì giá trị chênh lệch của một hạt kim cương có thể tăng 30-40% và người mua rất khó phát hiện. Và lời khuyên của các chuyên gia với người mua kim cương là trong lúc thị trường còn tranh tối tranh sáng, hãy tìm đến một trung tâm kiểm định có uy tín để đảm bảo cho viên kim cương mà mình bỏ tiền ra mua

Nguyễn Tuấn - Hoàng Tùng
.
.
.