Kiến nghị gỡ khó với gói ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng

Thứ Ba, 31/12/2013, 13:40
Thị trường bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh kết thúc năm 2013 với những kết quả hết sức èo uột nên ngay trong những ngày cuối năm, Hiệp hội BĐS thành phố đã tiếp tục có một loạt kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và chính quyền TP Hồ Chí Minh.

Phân tích về các giải pháp hỗ trợ đang được áp dụng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho biết, đến giữa tháng 12 này các ngân hàng cũng mới chỉ cam kết cho vay với khách hàng trên cả nước được khoảng 1.654 tỷ đồng trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng; giải ngân được 555 tỷ đồng.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh cũng mới chỉ có 358 trường hợp được cam kết cho vay, trong đó có 1 doanh nghiệp BĐS với tổng số tiền là 738,6 tỷ đồng. Như vậy, trước những khó khăn rất lớn của thị trường BĐS, kết quả đạt được từ gói hỗ trợ trên hiện vẫn là quá thấp. Do vậy nên cho phép cả những dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được tham gia vay ưu đãi. Ông Châu cho rằng, như vậy vừa có thể nhanh chóng có căn hộ hoàn thiện đưa ra thị trường; vừa giải quyết nhanh hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp.

Theo Hiệp hội BĐS thành phố, NHNN cần xem xét để người mua nhà được vay vốn ưu đãi với lãi suất tối đa thấp hơn mức 6% hiện nay, ở mức khoảng 4,5 - 5%/năm. Cơ sở của đề xuất này dựa trên quy định lãi suất tái cấp vốn của NHNN đối với ngân hàng thương mại (NHTM) luôn thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng đối với khách hàng là 1,5%/năm. Điều này có nghĩa chi phí quản lý của các NHTM là 1,5%; nếu các NHTM không lấy chi phí quản lý hoặc chỉ lấy 0,5% thì người vay mua nhà chỉ phải trả lãi từ 4,5-5%/năm. Hơn nữa, thời hạn cho vay với cá nhân cũng nên được điều chỉnh từ 10 năm lên 20 năm để giảm mức trả nợ vay và lãi vay hằng tháng phù hợp với khả năng tài chính của số đông người vay.

Bởi tính toán của Hiệp hội BĐS thành phố cho thấy: Với mức vay 500 triệu đồng trong 10 năm, hằng tháng người vay phải trả trên dưới 5 triệu đồng; nếu thời hạn vay là 20 năm, hằng tháng người vay chỉ phải trả khoảng 2-3 triệu đồng. Quy định người vay chỉ cần có vốn đối ứng tối thiểu là 10% sẽ phù hợp với khả năng tài chính của số đông người vay; 90% còn lại được vay từ nguồn vốn ưu đãi.

Cơ sở để Hiệp hội BĐS thành phố đưa ra đề xuất này dựa vào quy định của NHNN: Từng ngân hàng được quy định cụ thể mức vốn tối thiểu của khách hàng vay, nhưng không vượt quá 20% phương án vay. Hiệp hội BĐS thành phố còn cho rằng, NHNN cần chỉ đạo các NHTM cho phép khách hàng cá nhân được bảo đảm tiền vay bằng chính căn hộ mua, thuê mua, căn hộ hình thành trong tương lai theo quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội: Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, thế chấp, trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó. Với một căn hộ 50m2 giá bán 600 triệu đồng, người vay phải có vốn đối ứng 20% là 120 triệu đồng, được vay 80% là 480 triệu đồng. Với tài sản đảm bảo là giá trị căn hộ và tiền người mua đã trả cộng lại tới 720 triệu đồng là khá an toàn với ngân hàng.

Để đẩy nhanh tiến độ giải gói tín dụng ưu đãi, Hiệp hội BĐS thành phố cũng đề xuất Bộ Xây dựng sửa đổi quy định theo hướng: Xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng nhà ở cho người vay mua nhà chỉ cần xác nhận một lần; không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập. Bãi bỏ quy định đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, thay bằng quy định: Người đứng tên vay vốn hỗ trợ mua nhà phải chịu trách nhiệm việc khai báo về thực trạng nhà ở của mình.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng cung cấp căn hộ ra thị trường, Hiệp hội cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh sớm ban hành danh mục các khu vực không cho phép chuyển đổi dự án và khu vực cho phép chuyển đổi để các doanh nghiệp BĐS định hướng việc điều chỉnh phát triển dự án nhà ở phù hợp. Đồng thời sớm xem xét với 6 dự án nhà ở thương mại xin chuyển thành nhà ở xã hội và 13 dự án nhà ở thương mại xin được cơ cấu lại căn hộ vừa và nhỏ

Đ.Thắng
.
.
.