Kiểm tra “nước thải của DN”, báo cáo... rồi không xử lý

Thứ Tư, 15/10/2008, 16:22
Hầu như năm nào Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai (Sở TN&MT) cũng có báo cáo kết quả kiểm tra nước thải các doanh nghiệp (DN) có nguồn nước thải lớn, nhưng sau đó việc xử lý không được tiến hành một cách dứt khoát và các doanh nghiệp (DN) đó tiếp tục xả nước thải chưa đạt yêu cầu ra sông, suối gây ô nhiễm nặng môi trường.

Trong Báo cáo số 379 ngày 13/2/2007 của Sở TN&MT Đồng Nai về kết quả kiểm tra 20 DN có nguồn nước thải lớn trong năm 2006 thì tất cả các DN được kiểm tra đều vi phạm.

Trước hết là ô nhiễm màu sắc tại điểm xả thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp (KCN). Cụ thể các KCN: Biên Hòa 1 vượt 17,6 lần, Amata vượt 38,5 lần, Tam Phước vượt 20,5 lần, Hố Nai vượt 14,4 lần, Long Thành vượt 21,8 lần, Nhơn Trạch 2 vượt 43,5 lần, KCN dệt may Nhơn Trạch vượt 13,8 lần.

Nhưng nhiều nhất là ô nhiễm do vi khuẩn (Colform), với thông số: KCN Biên Hòa 1 vượt tiêu chuẩn quy định 15.333 lần; KCN Biên Hòa 2 vượt 500 lần; KCN Nhơn Trạch 1 và KCN Sông Mây vượt 4.800 lần; KCN Tam Phước vượt tiêu chuẩn quy định 8.000 lần…

Đáng chú ý là có nhiều DN vi phạm hầu hết các thông số quy định về môi trường ô nhiễm ở mức độ cao (vượt từ 10 lần).

Từ báo cáo trên, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 2144, ngày 28/3/2007 gửi: Giám đốc Sở TN&MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Định Quán, TP Biên Hòa; Giám đốc các công ty kinh doanh hạ tầng KCN và công ty vi phạm nêu trên phải đầu tư xây dựng hoặc hoàn thiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải để xử lý các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu 4 công ty có lưu lượng xả thải lớn: Vedan Việt Nam, Ajnomoto Việt Nam, mía đường La Ngà và men thực phẩm Mauri - La Ngà phải lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng.

Thế nhưng trong báo cáo mới đây của Sở TN&MT Đồng Nai (đến tháng 9/2008) thì trong 10 KCN nhóm I: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco, Long Thành, Tam Phước, Gò Dầu, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 và Nhơn Trạch 3 đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng các thông số đều chưa đạt tiêu chuẩn quy định.

Theo nhận định của Sở TN&MT Đồng Nai, các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (Sông Mây, Bàu Xéo, Nhơn Trạch 2-Lộc Khang, Ông Kèo, Xuân Lộc, Nhơn Trạch 5, Định Quán và dệt may Nhơn Trạch) sẽ khởi công xây dựng nhưng phải đến quý III hoặc quý IV/2009 mới có thể đưa vào vận hành.

Đã thế 176/230 dự án trong các KCN này đi vào hoạt động với lượng nước thải mỗi ngày khoảng 13.533m3, nhưng có tới 143 DN (chiếm 81%) chưa có hệ thống xử lý cục bộ và đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung, nên nhiều thông số ô nhiễm trong nước thải ở mức độ cao là điều dễ hiểu.

Mặt khác, công suất của hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các KCN (Long Thành, Tam Phước, Biên Hòa 2, Nhơn Trạch 1 và Loteco) được thiết kế xây dựng thấp hơn so với lượng nước thải thực tế, dẫn đến quá tải.

Sau vụ Công ty Vedan Việt Nam bị bắt quả tang xả trộm nước thải chưa xử lý ra sông Thị Vải và được xử lý; liệu cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN ở tỉnh Đồng Nai có mạnh tay xử lý các DN không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường quy định trước khi thải ra môi trường hay không

Thu Thảo
.
.
.