Kích cầu hàng nội: Phải dựa vào chi tiêu thực tế của người dân

Thứ Tư, 10/12/2008, 10:10
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, mức tăng tiêu thụ hàng hóa càng cuối năm càng có xu hướng giảm. Tăng tiêu thụ của tháng 11 chỉ là 1,7% so với tháng 10, trong khi tháng 9 tăng 3,6% so với tháng 8, tháng 10 tăng 3% so với tháng 9. Trước tình hình xuất khẩu giảm sút, tiêu thụ nội địa khó khăn, Bộ Công thương đã có ý tưởng mở chiến dịch thúc đẩy tiêu thụ hàng nội. Đây là một hướng đi đúng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, việc xây dựng các biện pháp kích cầu hàng nội, cần phải dựa trên cơ sở là nhu cầu chi tiêu và sức mua thực tế của chính người dân...

Không thể đánh đồng việc kích cầu với "xử lý" hàng tồn kho

Theo thông lệ, cuối năm thường là thời điểm xuất khẩu vào mùa gặt hái, nhưng năm nay, kim ngạch giảm sút, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều mặt hàng tồn đọng, sức mua trong nước cũng giảm sút.

Ông Đặng Việt Bách, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sóng Thần cho biết, hiện tại lượng hàng tồn kho trong các DN rất nhiều. Vì vậy, nếu không có biện pháp kích cầu chi tiêu đợt Tết này, thì các nhà máy trong nước không thể đào đâu ra vốn để đầu tư tái sản xuất. Kích cầu cần đi liền với mở rộng tín dụng, mới kích thích chi tiêu, đồng vốn của DN mới được quay vòng. Hiện tại, DN làm ăn vay vốn cũng khó, nói gì đến vay tiêu dùng. Mà giá cả hiện nay đã hạ xuống mức không thể thấp hơn được nữa.

Mặc dù, ai cũng biết, việc kích thích chi tiêu hoàn toàn là nhu cầu chính đáng của DN để thu lại vốn, phục hồi và quay vòng sản xuất. Tuy nhiên, kích cầu hoàn toàn không thể là ý muốn chủ quan mà phải dựa trên sức mua, nhu cầu chi tiêu thực tế của người dân. Sẽ rất khó hiệu quả nếu như kích cầu chỉ dựa trên những gì sẵn có là lượng hàng tồn kho lớn từ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước khó khăn còn đọng lại.

Theo lãnh đạo một DN làm hàng dệt may xuất khẩu, không ít đơn hàng xuất đi Mỹ hiện nay đối tác yêu cầu dừng lại vì có xuất vào Mỹ cũng không bán được. Nhưng nếu bán số hàng này tại Việt Nam thì cũng không khả quan vì sản phẩm này có giá cả, kích cỡ chỉ phù hợp với người mặc và cả sự thích hợp với thời tiết... bên Mỹ. Đó là chưa kể kích cầu, nhưng thu nhập và nhu cầu thực sự của người dân không có thì cũng khó đạt được hiệu quả.

Chị Trần Thanh Huyền, cán bộ Công ty Điện tử Công nghiệp HN cho rằng: Tạo thói quen cho người Việt dùng hàng nội là điều rất đúng đắn, tuy nhiên, nếu DN chỉ quan tâm đến đầu tư chất lượng mà không chú trọng đến chống hàng giả, kênh phân phối, thì rất dễ thất bại.

Điển hình là thương hiệu chăn S của một DN dệt may trong nước những năm gần đây rất được ưa chuộng, đánh bại các nhãn chăn ngoại nhập. Nhưng năm nay, một chiếc chăn S hàng thật cõng đến 4,5 cái hàng nhái, hàng giả. Người tiêu dùng chỉ mua 1-2 lần, không phân biệt nổi...

Không ai muốn thưởng Tết bằng thẻ mua hàng

Bên cạnh việc kích cầu thông qua kênh mua sắm trực tiếp, chiến dịch kích cầu cho hàng nội với "tham vọng" thưởng Tết bằng phiếu mua hàng trên thực tế đã không nhận được nhiều sự tán đồng từ phía người tiêu dùng.

Chị Dương Thu, Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính T&L cho biết, từng là người làm công ăn lương, ai cũng hiểu tâm lý chung của người lao động khi lĩnh thưởng Tết là muốn nhận "tiền tươi thóc thật", Việc thưởng Tết bằng phiếu mua hàng nếu thực hiện thì sẽ trên cơ sở sự thỏa thuận của các DN trả thưởng với các nhà cung ứng.

Cũng theo chị Thu, nếu người lao động định dùng số tiền thưởng để tiết kiệm, hoặc chi dùng vào việc khác mà lại bắt lấy phiếu mua hàng thì chắc rằng bất cứ ai cũng không thấy thoải mái rồi. Hơn nữa, việc đổi phiếu mua hàng chỉ có thể thực hiện quanh các hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, chứ khó có thể mở rộng ra với các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Vì vậy, hiệu quả kích cầu cũng rất hạn chế.

Chị Nguyễn Kiều Nga, nhân viên bán hàng một DN chuyên cung ứng quà tặng lễ Tết cho biết, do đời sống cao, nhu cầu đa dạng, nên trên thực tế hiện nay rất khó chọn được quà vừa lòng người nhận.

Hơn nữa, người nhận quà Tết là cán bộ nhân viên trong các DN thường có tâm lý, quà tặng đã bị chiết khấu cho người đặt hàng rồi, nên giá trị đã hao hụt ít nhiều.

Do đó, thuyết phục DN chuyển từ thưởng Tết bằng tiền sang hàng hóa là cả một vấn đề cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đó là chưa muốn nói, phương án này chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận từ chính cán bộ, công nhân viên trong các công ty và đại đa số người tiêu dùng

Nhóm PVKTXH
.
.
.