Khuyến nghị DN da giày để tránh rủi ro tại thị trường EU

Thứ Sáu, 23/09/2011, 10:49
Kể từ ngày 1/4/2011, mặt hàng giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU đã chính thức không còn chịu mức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) 10% kéo dài trong 4 năm qua. Tuy nhiên, EU cũng đã đưa ra chương trình giám sát hoạt động xuất khẩu giày da của Việt Nam vào EU trong 1 năm. Như vậy, ngành giày mũ da Việt Nam mặc dù đã được dỡ bỏ thuế CBPG nhưng thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro tại thị trường này.

Ngoài khó khăn trên, hiện mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam tại EU còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm tương tự của các nước đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan của EU như Indonesia, Sri Lanka, Banglades, Ấn Độ. Để hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm đảm bảo xuất khẩu bền vững, được sự hỗ trợ của Dự án EU - Việt Nam MUTRAP III, Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Da - Giày tổ chức hội thảo "Chương trình giám sát nhập khẩu của EU đối với các loại giày mũ da xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc" ngày 22/9 tại TP HCM, nhằm trao đổi và cung cấp những thông tin liên quan đến chương trình giám sát trên của EU và có các cảnh báo sớm về nguy cơ có thể bị áp dụng lại thuế CBPG. Đồng thời, cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường EU.

Mặc dù EU đã chính thức bãi bỏ thuế CBPG tại thị trường từ ngày 1/4, nhưng họ vẫn đưa ra chương trình giám sát nên doanh nghiệp da giày Việt Nam có thể vẫn đối mặt với nhiều rủi ro

Ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương khuyến nghị để đối phó với xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đang ngày càng gia tăng tại EU cũng như các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp nên từng bước đa dạng hoá thị trường, hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu cũng như thiết lập một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy để theo dõi số lượng, giá trị xuất khẩu sản phẩm, làm cơ sở cho các nhà điều tra nước ngoài khi cần.

Các doanh nghiệp giày da cũng cần lưu ý là hiện nay người tiêu dùng ở thị trường xuất khẩu cũng đã ưa chuộng hàng có xuất xứ Việt Nam (nhất là sản phẩm da giày, may mặc). Vì vậy, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp lựa chọn, tìm kiếm hợp đồng có giá trị và chất lượng thay vì ồ ạt tăng xuất khẩu sang EU, đảm bảo xuất khẩu được nâng lên một cách hợp lý, công khai, minh bạch…

Thông qua những vụ CBPG mà doanh nghiệp Việt Nam đã mắc phải, ông Claudio Dordi - Trưởng nhóm tư vấn dự án MUTRAP III cho rằng, tất cả những vấn đề dẫn đến kiện CBPG là do doanh nghiệp Việt Nam không có đủ cơ sở, chứng cứ để đối phó với vụ kiện. Vì vậy, bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng cho được thương hiệu và tạo sự khác biệt để người tiêu dùng nước ngoài phân biệt và nhận biết được sự khác nhau của sản phẩm Việt Nam với các sản phẩm khác. Đặc biệt là phải đảm bảo được giấy chứng nhận xuất xứ (vì thực tế đã có doanh nghiệp nước ngoài nhập hàng vào Việt Nam, sử dụng xuất xứ Việt Nam rồi tiếp tục xuất sang nước thứ 3)

T.Hà
.
.
.