Khuyến khích DN trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng

Thứ Tư, 24/08/2011, 17:02
Cùng với chính sách tăng lương tối thiểu sớm trước lộ trình, Chính phủ khuyến khích DN trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Ngày 23/8, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, toàn bộ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đã được Chính phủ thông qua, thể hiện tại Nghị định 70/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động (DN) bắt đầu từ ngày 1/10/2011 đến hết 31/12/2012.

Mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động vẫn chưa phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của DN.

Hai điểm thay đổi quan trọng đáng chú ý tại Nghị định này là việc Chính phủ đã quy định chung mức lương tối thiểu vùng đối với cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (trước đây DN trong nước áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn DN FDI); thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu được đẩy lên sớm (từ ngày 1/10) thì đến thời điểm 1/1/2012, theo đúng lộ trình của Đề án cải cách tiền lương, sẽ không có đợt điều chỉnh nào nữa.

Mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng cụ thể: Vùng I: 2 triệu đồng/tháng; vùng II: 1,78 triệu đồng/tháng; vùng III: 1,55 triệu đồng/tháng; vùng IV: 1,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 300.000 - 650.000 đồng/tháng. Với lần điều chỉnh này, dù theo Bộ LĐ-TB&XH tác động không nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nhưng qua đây sẽ hình thành nên mặt bằng tiền lương mới trên thị trường lao động.

Cùng với chính sách tăng lương tối thiểu sớm trước lộ trình, Chính phủ cũng khuyến khích DN trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để DN và người lao động thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động; dùng làm căn cứ để xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do DN xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cũng thừa nhận, tiền lương trong các doanh nghiệp chưa phản ánh kết quả sản xuất mà dựa trên kết quả của đối thoại, thương lượng. Một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong khu vực đầu tư nước ngoài có mức lương rất thấp, tốc độ tăng lương chậm, trong khi một số lao động làm việc trong các DN nhà nước độc quyền có thu nhập rất cao, không phản ánh kết quả kinh doanh của DN     

Thu Uyên
.
.
.