Không thể chỉ chú trọng an toàn cho nông sản xuất khẩu

Thứ Ba, 10/02/2015, 14:21
Xuất khẩu nông sản trong năm 2014 đã cán mốc 30,86 tỷ USD một phần nhờ chúng ta làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm tra, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Trong năm 2015 - Năm vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài việc đảm bảo hàng nông sản xuất khẩu “sạch, đẹp, ngon” thì ngành Nông nghiệp cũng cần quan tâm đúng mức tới chất lượng những mặt hàng nông sản tiêu thụ trong nước. Nhất là khi Tết đến Xuân về, lượng tiêu thụ thực phẩm tăng nhanh!

Theo thống kê, năm 2014, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua kiểm dịch thực vật tăng mạnh so với năm 2013 (đạt 166% so với năm 2013), trong đó hàng xuất khẩu tăng mạnh, đạt 206,7% so với năm 2013. Một lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD của ngành Nông nghiệp có đến 7 mặt hàng thuộc về lĩnh vực trồng trọt, đem lại kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp gần 31 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hiện nay còn phổ biến dẫn đến chi phí tăng cao; gây ô nhiễm môi trường và dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh dẫn ví dụ, trong khi nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu trên 2 tỷ USD hồ tiêu năm 2015 thì nhiều đồn điền hồ tiêu trị giá vài tỷ đồng đang bị sâu bệnh nặng, gây thiệt hại về sản lượng. Điều đáng nói là khi có dịch bệnh, người nông dân chi rất nhiều tiền vào nhiều loại thuốc BVTV khác nhau, gây lãng phí và làm gia tăng chi phí sản xuất mà hiệu quả lại không như mong đợi. 

Theo ông ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, các địa phương đã chủ động kiểm tra, giám sát ATTP đối với rau, củ quả. Cục BVTV cũng lập hàng rào kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, mua thêm thiết bị, đào tạo nhân viên. Hiện, kỹ thuật kiểm tra ATTP trên sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới. Tuy vậy, trong việc kiểm soát ATTP, ông Nguyễn Xuân Hồng đề nghị, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mới có kết quả như mong muốn. Đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý, tồn dư nhiều nhất là kháng sinh, vi sinh…

Do đó, cần giám sát chặt chẽ nơi giết mổ, các cơ sở buôn bán ở chợ để phát hiện những cơ sở đưa ra thị trường sản phẩm không đảm bảo, xử lý nghiêm. “Kết quả giám sát cho thấy, rau và thịt gia súc, gia cầm là hai sản phẩm tồn dư thuốc BVTV và kháng sinh vượt mức cao nhất. Trong khi, hiện là thời điểm sôi động, người dân có nhu cầu tiêu dùng cao. Tôi yêu cầu, các địa phương cần cử cán bộ xuống tận đồng ruộng, trang trại chăn nuôi để hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV và thuốc thú y. Tăng cường tần suất lấy mẫu ở những nơi buôn bán, kinh doanh rau quả, thịt để đảm bảo ATTP trong dịp Tết cho người dân”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Chi Linh
.
.
.