Xung quanh chuyện lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài:

Không kiên quyết xử phạt sẽ lại bùng phát... trốn

Thứ Ba, 18/03/2014, 13:27
Cho đến thời điểm này, tức là tròn 1 tuần sau thời hạn (10/3) kết thúc việc gia hạn ân xá cho lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, không bị xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng, theo Nghị định 95 của Chính phủ, thông tin từ các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy có dấu hiệu rất tích cực trên cả hai phương diện: giảm trốn cũ và giảm số lượng trốn phát sinh.

Tuy nhiên điều khiến các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm là Đài Loan và Hàn Quốc lo lắng, là nếu sau thời gian ân xá, việc xử phạt không được thực hiện kiên quyết, thì nguy cơ bùng phát trốn là rất lớn.

Theo thông tin chúng tôi nhận được từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, ban đã thống kê được số lượng lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 18.000 người. Trước thời điểm 10-3, đã có 3.000 người lao động bất hợp pháp đăng ký về nước, mới chỉ chiếm khoảng 15%. 85% số lao động bất hợp pháp còn lại đang nghe ngóng chờ xem sau ngày hết hạn ân xá, Chính phủ và các cơ quan quản lý trong nước có biện pháp gì với họ.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, về phía ngoài nước, theo chỉ đạo của đồng chí Đại sứ, trước mắt bộ phận lãnh sự, Sứ quán sẽ quyết định xử phạt các đối tượng bị cảnh sát Hàn Quốc bắt trong những đợt truy quét. Tùy theo từng tháng, mỗi tháng dao động từ 100 đến 300 lao động. Những đối tượng này được phía bạn thông báo cho Sứ quán, có thể lập biên bản hành chính, ngay trong tháng 3 này sẽ tiến hành xử phạt. Hiện thu nhập bình quân của người lao động tại Hàn Quốc vẫn luôn giữ ở mức 1.200 – 1.500 USD/tháng, là thị trường có thu nhập cao nhất trong các thị trường XKLĐ của Việt Nam, nên ông Nguyễn Hải Nam cũng bày tỏ lo lắng, nếu Việt Nam không kiên quyết trong chuyện thực hiện xử phạt, thì việc bùng phát bỏ trốn sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc.

Còn tại thị trường Đài Loan, tồn tại hai vấn đề bức xúc nhất luôn là phí và bỏ trốn cao. Ngay khi thông tin về Nghị định 95 quy định mức phạt cao lao động bỏ trốn, theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan thì, lượng người đến đăng ký dồn dập, nhất là vào thời điểm chuẩn bị hết hạn ân xá.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan đánh giá cao hiệu quả của Nghị định 95 làm giảm hẳn cả đối tượng trốn cũ và trốn phát sinh mới. Bà Nhung cho biết, nếu như trong năm 2013, số lao động bỏ trốn phát sinh thêm bình quân từ 700 đến 1.100 người/tháng thì khi áp dụng Nghị định 95, số trốn mới liên tục giảm. Về phía ban, theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai trình tự xử lý vi phạm hành chính các lao động bỏ trốn. Cũng cùng trăn trở như Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, bà Nhung chia sẻ “Vấn đề chúng ta có xử phạt có hiệu quả đến đâu, vì giờ lao động đang nghe ngóng xem có xử phạt thật hay không”.

Vấn đề lao động bỏ trốn tại Đài Loan ra đầu thú, đưa về nước do các cơ quan tham gia vào việc tiếp nhận đầu thú, đầu mối là Cục Di dân, các đội cảnh sát cư trú sẽ làm. Văn phòng quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cho biết, sẽ phối hợp giải quyết, đáp ứng về mặt tốc độ, rút ngắn thời gian cấp giấy thông hành cho lao động về nước. Ngoài ra, lao động đầu thú còn được hưởng lợi từ việc được làm thủ tục về nước nhanh, đòi lại được tiền lương mà chủ cũ còn nợ. “Chúng tôi và các cơ quan cơ sở của Đài Loan sẽ cố gắng hợp tác đòi lại được cho người lao động”, bà Nhung cho hay.

Đã có trên 1.000 lao động mới được lựa chọn sang làm việc tại Hàn Quốc

Liên quan đến tiến trình thực hiện đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Bản Ghi nhớ đặc biệt, ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Theo số liệu thống kê có khoảng gần 10.000 lao động đã thi tiếng Hàn thuộc diện được giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Tuy nhiên trong khuôn khổ MOU đặc biệt này, Hàn Quốc chỉ cấp cho ta quota 2.900 lao động mới trong năm 2014; riêng số lượng lao động về nước đúng hạn, thi tiếng Hàn trên máy tính vẫn đi lại bình thường. Năm nay Hàn Quốc cấp quota cho 15 nước là 5.500, trong đó Việt Nam khoảng 2.000 người. Hiện theo thông tin mới nhất đã có trên 1.000 lao động đã được lựa chọn. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới sẽ có những chuyến xuất cảnh đầu tiên dành cho các lao động diện này.

Thu Uyên
.
.
.