Không khoan nhượng với buôn bán than trái phép

Thứ Bảy, 19/04/2008, 11:03
Từ ngày 7/4 đến ngày 13/4, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã bắt giữ 104 tàu pha sông biển, có sức chở từ 800 đến 1.000 tấn than trên mỗi tàu, tại vùng biển từ huyện Vân Đồn đến khu vực cảng Vạn Gia thị xã Móng Cái. Đây là vụ bắt giữ tàu than có vi phạm trong hoạt động vận chuyển buôn bán than trên biển lớn nhất từ trước đến nay.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, hầu hết các tàu vận chuyển than bị bắt giữ đều không có đầy đủ thủ tục và giấy tờ hợp lệ theo qui định của Nhà nước đối với người, phương tiện và hàng hóa khi tham gia vào hoạt động vận chuyển, kinh doanh than. Có tới một nửa các thuyền trưởng, thợ máy, lái tàu và thuyền viên trên các tàu không có các chứng chỉ chuyên môn và giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân).

Tại thời điểm bị bắt giữ; chỉ có 29 trong tổng số 104 tàu, có giấy tờ chứng minh phương tiện là hợp pháp theo qui định. Về lượng than vận chuyển trên các tàu, theo khai báo của thuyền trưởng, chủ hàng, người đại diện cho phương tiện, thì tổng số lượng hàng hoá vận chuyển trên các tàu là 93.386 tấn than và 900 tấn quặng; nhưng số lượng thể hiện trên các hoá đơn chỉ có 76.773 tấn than và 900 tấn quặng.

Đối chiếu với "Hướng dẫn liên ngành về điều kiện kinh doanh than mỏ" số 524/LN ngày 4/10/2002 và Thông tư 05/2007/TT-BCT của Bộ Công thương, hướng dẫn về xuất khẩu than, thì số than vận chuyển trên hầu hết các phương tiện này đều có vi phạm.

Trong đó, tại thời điểm bị bắt giữ, số phương tiện có hoá đơn của Bộ Tài chính, đối với than vận chuyển trong tỉnh và ra ngoài tỉnh (theo hướng dẫn số 254/LN) chỉ có 16/104 tàu. Số phương tiện có thủ tục đăng ký đầy đủ theo Thông tư số 05 chỉ có 1 tàu.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, trong số hoá đơn của 16 tàu trình báo khi bị bắt giữ và hoá đơn của 62 tàu nộp cho cơ quan điều tra sau khi tàu bị bắt, có rất nhiều hoá đơn được mua bán và sử dụng bất hợp pháp. Có những trường hợp hoá đơn ghi mua than chở về Hải Phòng nhưng trên 1 vạn tấn than của đơn vị này lại được chở ra Móng Cái và bị bắt giữ.

Rất nhiều hoá đơn của các đơn vị mua và bán hàng bị vênh nhau, thậm chí tên đơn vị mua hàng được ghi trong hoá đơn là đơn vị có thực tại Quảng Ninh, số than được ghi trong hoá đơn lên tới 14.282 tấn, nhưng khi được cơ quan điều tra hỏi tới, đơn vị được ghi là mua than (trong hoá đơn) mới biết mình đã bị lợi dụng; trên thực tế họ hoàn toàn không có nhu cầu mua than để sử dụng vào bất cứ việc gì và từ trước tới nay cũng không hề có bất cứ mối quan hệ nào với cơ sở có than bán đã được ghi trong hoá đơn.

Nhiều hoá đơn, tên đơn vị mua than là các công ty "ma", không hề có trong danh sách quản lý của ngành Thuế và cũng chưa hề có trong thực tế.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, lãnh đạo các ngành trong khối nội chính, các cơ quan Biên phòng, Hải quan, Tài chính, Thuế, Công thương, Chi cục QLTT, nghe báo cáo tình hình, chỉ đạo phân loại, xử lý đối với số phương tiện hàng hoá bị bắt giữ.

Theo đó, Thường trực Tỉnh uỷ đã giao cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành điều tra làm rõ những vi phạm về thủ tục hành chính, về thủ tục hàng hóa đối với các phương tiện và thuyền viên trên các tàu. Làm rõ về hoá đơn nguồn gốc, xuất xứ nguồn hàng, hợp đồng kinh tế, giấy phép kinh doanh; xác định số lượng hàng thực tế so với hoá đơn chứng từ xuất hàng.Kiểm tra mẫu tiêu chuẩn chất lượng than...

Bản chất thực của gần 10 vạn tấn than cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan đang được các cơ quan chức năng của Quảng Ninh khẩn trương điều tra làm rõ. Phát biểu về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là một vấn đề lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh, vì vậy Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các lực lượng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình điều tra, làm rõ. Kiên quyết xử lý các vi phạm theo qui định của pháp luật, không có trường hợp nào ngoại lệ

Vũ Ninh
.
.
.