Không khó để quảng bá đặc sản Việt Nam ra thế giới

Thứ Tư, 22/08/2012, 23:25
Đặc sản Việt Nam hầu như mới chỉ phổ biến ở phạm vi địa phương. Công tác quảng bá yếu. Đầu ra ít. Nhà nông vẫn đang là đối tượng có cuộc sống ít khá giả nhất. Nhằm tiếp tục tìm kiếm giải pháp và thực hiện quảng bá các đặc sản Việt Nam, đặc biệt là quảng bá ra thế giới, vào tháng 9/2012, một hội thảo quy mô lớn sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh…
>> Quảng bá các đặc sản Việt Nam ra 57 quốc gia, vùng lãnh thổ

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 776.000ha diện tích đất trồng cây ăn quả, cho sản lượng mỗi năm 7 đến 8 triệu tấn. Chủng loại trái cây lại phong phú và có đến hàng trăm loại trái cây giàu chất dinh dưỡng. Mùa nào thức ấy. Đó là chưa kể những loại trái cây vẫn đang được người nông dân “sáng tạo” thêm.

Ngay Tổng giám đốc của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, ông Lê Trần Trường An cũng nửa đùa nửa thật chia sẻ sau hành trình 2 năm lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc tìm đặc sản Việt Nam rằng: Không ở đâu, nông dân lại “làm nghiên cứu”, làm công việc của nhà khoa học mà thành công nhiều như Việt Nam. Kết luận này không phải của Trung tâm sách kỷ lục mà là ý kiến tổng hợp từ khá nhiều nhà nghiên cứu “thứ thiệt”, trong đó có nhà nghiên cứu trái cây miền Nam rất nổi tiếng, nhà khoa học Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây quả miền Nam.

Thực tế, cứ “nhìn” kết quả của những trái thanh long ruột tím, những thương hiệu trái cây đậm đặc dấu ấn nhà nông có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao hiện nay như sầu riêng Ri6, sầu riêng Chuồng Bò cho đến loại xuất khẩu nhiều nhất như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim sẽ thấy...

Nhưng, cũng có một thực tế và cũng là nghịch lý tồn tại như điều hiển nhiên: Những thế mạnh nói trên vẫn chỉ nằm ở dạng tiềm năng. Đặc sản hầu như mới chỉ phổ biến ở phạm vi địa phương. Công tác quảng bá yếu. Đầu ra ít. Nhà nông vẫn đang là đối tượng có cuộc sống ít khá giả nhất.

Với rất nhiều loại đặc sản khác, tình hình cũng không khá hơn. Công nghệ thông tin, các phương tiện hiện đại hỗ trợ đắc lực cho công tác quảng bá còn là bài toán khó, thậm chí lạ lẫm với nhiều địa phương sở hữu đặc sản. Làm thế nào để đưa những “mỏ vàng” này vào khai thác hiệu quả? Làm như thế nào để quảng bá rộng rãi hơn ở trong nước và nước ngoài vẫn là câu hỏi khiến không ít địa phương và người sở hữu các đặc sản này trăn trở song chưa tìm ra câu trả lời. 

Được biết, nhằm tiếp tục tìm kiếm giải pháp và thực hiện quảng bá các đặc sản Việt Nam, đặc biệt là quảng bá ra thế giới, vào tháng 9/2012, một hội thảo quy mô lớn do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu cây ăn quả, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển truyền thông thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là các nhà nghiên cứu, chuyên gia nghiên cứu văn hóa ẩm thực và đặc sản Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, cục, vụ, viện nghiên cứu, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, các đơn vị thương mại, xuất nhập khẩu có liên quan đến mặt hàng đặc sản, nông sản… sẽ ít nhiều tìm được thêm nhiều giải pháp để công tác quảng bá đặc sản Việt Nam nói chung, quảng bá đặc sản Việt Nam ra thế giới thật hiệu quả.

Tất nhiên, thêm những cánh cửa mới mở rộng cho đặc sản Việt Nam đến với đông đảo người dân trong nước và thế giới vẫn là mục đích cuối cùng không chỉ của ban tổ chức...

N.H.
.
.
.