Không e ngại việc mở cửa thị trường vào 31/12/2015

Thứ Hai, 02/02/2015, 10:55
Tối 1/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã xuất hiện trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” để giải đáp những thắc mắc xung quanh các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang đàm phán tham gia ngày càng nhiều hơn.

Đặc biệt, Bộ trưởng đã giải đáp những quan ngại về sự thất thế của hàng Việt trên sân nhà khi cuối năm nay Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, với hàng rào thuế quan sẽ được hạ về 0, hứa hẹn hàng hóa từ các nước sản xuất tiên tiến sẽ tràn ngập thị trường.

Một lần nữa giải thích ý nghĩa của thương mại tự do và lý do Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các cộng đồng thương mại tự do, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Mở cửa thị trường là nguyên tắc có đi có lại, nếu chúng ta muốn tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam vào một thị trường nhất định thì ngược lại ta cũng phải mở cửa cho hàng hóa của đối tác xuất khẩu sang Việt Nam.

Nguyên tắc này được thực hiện trên cơ sở ta cố gắng thu được lợi ích cốt lõi trong đàm phán. Việt Nam có lợi thế trong dệt may, da giày, nông sản... nên khi đàm phán bao giờ chúng ta cũng yêu cầu đối tác mở cửa tối đa thị trường của họ với các sản phẩm này của Việt Nam. Ngược lại, ta cũng xem xét mở cửa cho các hàng hóa đối tác có nhu cầu xuất khẩu nhưng có lộ trình, nhất là các hàng hóa nhạy cảm, khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế, khả năng cạnh tranh chưa cao... để có thời gian cho nhà sản xuất trong nước vươn lên.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện chúng ta đang tiếp tục đàm phán để ký kết 7 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác như TPP, Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan... Trong quá trình đàm phán, nông nghiệp luôn được bảo hộ một cách hợp lý. Ví dụ khi đàm phán WTO ta đã giữ được bảo hộ muối ăn, đường ăn, trứng và nguyên liệu thuốc lá. Việc này trong những năm vừa qua đã vừa đảm bảo bảo hộ sản xuất trong nước hợp lý, vừa thực hiện mở cửa từ từ, có chọn lọc và có lộ trình. Liên quan đến quan ngại về sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ ngoại như Lotte (Hàn Quốc), Big C (Pháp), AEON (Nhật Bản) sẽ kéo theo sự xâm lấn của hàng hóa nước ngoài, Bộ trưởng Hoàng khẳng định: Bán buôn, bán lẻ là một lĩnh vực nhạy cảm nên khi đàm phán, đây là một trong những nội dung ta mở cửa thận trọng, có lộ trình từng bước. Đối với từng hàng hóa cũng có mức độ mở cửa khác nhau.

Nhìn chung chúng ta đã thực hiện tốt cam kết này. Một số DN bán buôn, bán lẻ hoạt động ở Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ về số lượng chi nhánh cũng như số lượng, chủng loại hàng hóa. Bộ trưởng Hoàng cho rằng trong hơn 20 năm qua, kể từ khi mở cửa, hàng hóa Việt Nam vẫn đang thống lĩnh thị trường. Điều này khẳng định rằng nếu “ta có bản lĩnh, bước đi thận trọng và quan tâm đến bảo hộ sản xuất trong nước thì không e ngại việc mở cửa thị trường vào 31/12/2015”.

V. Hân
.
.
.