Quản lý điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô:

Không để tình trạng có một đầu xe cũng kinh doanh vận tải

Thứ Năm, 18/09/2014, 08:56
Ngày 17/9, Bộ GTVT đã tổ chức họp báo triển khai Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, có hiệu lực từ 1/12/2014. Tại cuộc họp, nhiều thắc mắc xung quanh quy định mới này đã được lãnh đạo Bộ GTVT giải thích. Tuy nhiên, nhìn tổng quát cả Nghị định, nhiều người còn tỏ ra băn khoăn vì quy định về quản lý đối với xe khách giường nằm vẫn còn bỏ ngỏ?!

Mở đầu cuộc họp báo, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, Nghị định 86 tập trung siết chặt quản lý hầu hết các loại hình kinh doanh vận tải bằng ôtô như vận tải cố định, vận tải bằng taxi, vận tải du lịch và hợp đồng. Cụ thể như, từ ngày 1/7/2015, đối với xe ôtô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Để đơn giản hóa cho các doanh nghiệp, mọi hoạt động báo cáo này sẽ được thực hiện qua thư điện tử. Cơ quan giám sát như Sở GTVT sẽ căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình để hậu kiểm.

Tuy vậy, việc hậu kiểm sẽ được thực thi như thế nào để siết chặt loại hình này đang là vấn đề còn bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, số lượng xe ôtô vận tải khách theo hợp đồng khá lớn, tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới hàng nghìn phương tiện.

Từ 1/12, nhiều quy định sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải xe khách.

“Trước đây, quy định pháp luật đối với loại hình xe hợp đồng còn lỏng lẻo, như không cấm xe hợp đồng dừng đón trả khách dọc đường. Đã có thời gian, xe hợp đồng chạy trên đường bắt khách, tranh giành với xe tuyến cố định. Tuy nhiên, tại NĐ 86, quy định này đã bị khép lại”, ông Nguyễn Văn Quyền bày tỏ. Cụ thể, các đơn vị phải sử dụng mạng máy tính, truyền về Sở, báo cáo cập nhật thông tin về chuyến xe của mình, hợp đồng với ai, xuất phát ở đâu, chở khách đến đâu, dừng ở đâu cho khách lên xuống, thời gian thực hiện bao nhiêu ngày… “Dựa vào đó, Sở Giao thông - Vận tải sẽ căn cứ vào thiết bị hộp đen để hậu kiểm. Như vậy vừa không rườm rà, phát sinh thêm mà lại quản lý được đối tượng này” - vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Bên cạnh đó, NĐ 86 cũng quy định về niên hạn sử dụng đối với xe ôtô chở khách, loại bỏ tình trạng xe cũ nát chạy dọc đất nước. Cụ thể, ôtô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300km, phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với ôtô sản xuất để chở người. Đối với cự ly từ 300km trở xuống thì niên hạn không quá 20 năm đối với ôtô sản xuất để chở người. Đáng lưu ý, từ ngày 1/1/2016, không được sử dụng xe ôtô chuyển đổi công năng (xe hoán cải) để vận tải khách.

Về điều này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đối với những xe khách đã hoán cải trước đây, Bộ GTVT không hồi tố, song sẽ có lộ trình để doanh nghiệp đưa các phương tiện đã hoán cải này chuyển đổi sang hoạt động ở những cung đường phù hợp. Nghị định cũng quy định xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.Và từ ngày 1/7/2016, taxi phải có hóa đơn tính tiền để công khai, minh bạch cho hành khách nắm rõ. Cũng từ ngày 1/1/2016, các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải có tối thiểu từ 50 xe trở lên.

Đặc biệt, Nghị định nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn khi kinh doanh loại hình vận tải không đúng theo giấy phép kinh doanh; trong thời gian 1 năm có trên 50% số xe hoạt động mà người lái xe vi phạm luật gây ra TNGT nghiêm trọng; trong thời gian 3 năm có tái phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và xảy ra TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều người băn khoăn về việc, Nghị định dù mới ban hành nhưng lại bỏ qua đối tượng xe khách giường nằm, một loại hình vận tải đang gây nhiều tranh cãi hiện nay. Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, Cục đang triển khai thử nghiệm loại xe này để xem tính tương quan giữa xe với từng loại cung đường. Căn cứ vào kết quả sẽ kiến nghị Bộ GTVT xem xét với từng cung đường, tuyến đường để điều chỉnh lộ trình chạy xe khách giường nằm. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ sửa lại tiêu chuẩn của ôtô khách, đặc biệt là xe khách giường nằm theo hướng tăng tính an toàn.

Đề nghị tạm dừng sản xuất xe giường nằm

Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội vừa kiến nghị Bộ GTVT tạm ngừng sản xuất xe giường nằm hai tầng cho đến khi có quy chuẩn về an toàn phương tiện. Đối với các xe đang hoạt động, cần có biện pháp hoán cải như bỏ giường nằm dãy giữa xe mà chỉ để lại hai dãy, tạo lối đi lại thông thoáng và dễ thoát hiểm. Các xe cần làm thêm một cửa giữa xe để dễ thoát hiểm và có toilet trên xe. Khuyến khích các doanh nghiệp cải tạo lại thành xe giường nằm một tầng hoặc xe ghế ngồi ngả được chạy trên đường đèo núi.

Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cũng đề nghị nên cấm xe giường nằm theo lộ trình để các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cơ quan chức năng cần kiểm tra lại chất lượng xe giường nằm đã hoán cải. Như khi cho hoán cải xe ghế ngồi thành xe giường nằm 2 tầng cần được thử tải ở đường đồng bằng, đèo núi bằng phương pháp khoa học. Cùng với đó là đo đạc độ lắc bằng thiết bị máy móc hiện đại. (PV)

Thanh Huyền
.
.
.