Không để hàng Việt thua trên sân nhà

Chủ Nhật, 16/11/2014, 08:19
Hiện nay, “làn sóng” doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tràn vào thị trường Việt Nam khá lớn. Hơn nữa, năm 2015, khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn, nhân lực... di chuyển tự do trong nội khối và đặc biệt có 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan.

Thực tế, các DN FDI trong lĩnh vực bán lẻ có mặt tại thị trường Việt Nam từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Đến nay, đã có sự hiện diện của nhiều DN FDI có thương hiệu lớn như: Metro Cash & Carry (Đức), BigC (Pháp), Parkson (Malaysia), Diamond Plaza, Lotte (Hàn Quốc), Circle K (Mỹ), BJC (Thái Lan), Zen Plaza, Family Mart, Ministop, Aeon (Nhật)... và trong tương lai Việt Nam sẽ tiếp tục “đón” nhiều thương hiệu bán lẻ lớn khác như: Auchan (Pháp), Wal-Mart (Mỹ), Carrefour (Anh), E-Mart (Hàn Quốc)...

Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều lý do đã thôi thúc các DN phân phối – bán lẻ FDI đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam như: lợi nhuận, mở rộng thị trường, khai thác thị trường mới nổi… Đặc biệt, DN FDI hiện đã đầu tư hầu hết vào các hình thức bán lẻ hiện đại hiện có tại Việt Nam như: siêu thị, đại siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng chuyên doanh, bách hóa, cửa hàng tiện lợi... và DN FDI đều có mặt ở các phân ngành: Bán buôn, bán lẻ (kể cả bán hàng đa cấp), đại lý, nhượng quyền thương mại.

Để đưa hàng vào được siêu thị của DN FDI, nhà cung cấp trong nước phải chịu nhiều loại phí, vượt quá khả năng của các DN vừa và nhỏ.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, không phải đến bây giờ mà đã từ nhiều năm trước, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã nhận định rằng, sự tham gia của DN FDI sẽ làm thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ bán lẻ. Bởi vì, khi DN FDI vào Việt Nam, nếu DN bán lẻ Việt không vươn lên, không vượt qua chính mình để sẵn sàng cạnh tranh thì buộc DN phải rời khỏi thị trường, phải chấp nhận chịu thua. Ngoài ra, DN FDI cũng làm đa dạng thị trường và dịch vụ, tạo nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng (NTD)...

Tuy nhiên, điều quan ngại đối với DN Việt đó là hiện nay một số DN FDI mua lại hệ thống bán lẻ Việt Nam thì DN Việt cứ lo sợ nghĩ rằng DN FDI đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam hoặc DN Việt Nam đang từng bước bị thất bại. “Mở cửa thị trường vừa tạo áp lực, thách thức nhưng cũng giúp thị trường và các nhà bán lẻ trong nước phát triển và hoạt động chuyên nghiệp hơn. Ví dụ “sát sườn” như Thái Lan, Philippines, Indonesia... là những nước tương đối tương đồng với nền kinh tế Việt Nam... và họ đã thành công khi cạnh tranh với DN FDI trong lĩnh vực bán lẻ”, bà Loan khẳng định.

Còn các DN sản xuất trong nước thì cũng hết sức lo lắng bởi vì các hệ thống phân phối cũng sẽ chia bớt thị phần cho các DN FDI. Hàng Việt sẽ không còn được “ưu tiên” như trước nữa và hàng Việt “chen chân” vào các hệ thống phân phối của DN FDI là điều không dễ. Hiện, tại các hệ thống bán lẻ của DN Việt, thị phần hàng Việt chiếm đến 90 - 95%, trong khi đó tại các hệ thống phân phối của DN FDI tỷ lệ này thấp hơn nhiều như: Aeon (Nhật Bản) chỉ dành 50% cho hàng Việt, 50% còn lại là sản phẩm của Nhật và các nước khác; Big C, Lotte Mart... hàng sản xuất trong nước chỉ chiếm 60-70%.

Để đưa hàng vào được siêu thị của DN FDI, nhà cung cấp trong nước phải chịu nhiều loại phí, vượt quá khả năng của các DN vừa và nhỏ.

Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhận định: Qua nghiên cứu các nhóm hàng đưa vào hệ thống phân phối thì Sở Công Thương thấy rằng, DN FDI có mức chiết khấu tương đối cao, có những nhóm mặt hàng mức chiết khấu rất cao. Còn việc thanh toán cho nhà cung cấp của DN FDI thường từ 30 - 45 ngày (đa số 45 ngày). Trong khi đó, DN Việt Nam phần lớn là DN nhỏ và vừa nên hai vấn đề chiết khấu và thanh toán thực sự gây khó khăn cho DN. Vì vậy, bà Đào cũng đề nghị các hệ thống của DN FDI giải quyết linh hoạt hai vấn đề này để đồng hành và chia sẻ với nhà sản xuất trong nước.

Đánh giá về thị trường bán lẻ hiện tại, bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế khẳng định: “Nếu chúng ta không thúc đẩy được sản xuất hàng công nghiệp ở Việt Nam thì sẽ không thể tránh khỏi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn của hàng hóa bên ngoài vào. Ngay bây giờ cũng đã thấy trên cùng một sản phẩm như nhau đã có nhiều sự cạnh tranh của nhiều nhà cạnh tranh bên ngoài. Ngay cả các nước xung quanh Việt Nam đã có sức cạnh tranh tốt hơn Việt Nam về mức độ phong phú của sản phẩm, về sự thay đổi liên tục các mẫu mã để làm mới sản phẩm. Họ đưa nhiều công nghệ mới vào ứng dụng và DN Việt Nam không có đủ năng lực để làm điều đó. Trong khi đó chính sách thì được ban hành khá nhiều, điểm lại cho đến nay có khoảng 30 chính sách và văn bản pháp quy đã đưa ra về những quy định hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa nhưng hầu hết DN, các Hiệp hội và tổ chức của họ đều than đó là những chính sách trên giấy, đưa vào thực thi rất ít. Những chính sách này phải được đưa vào cuộc sống để hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa”

Thúy Hà
.
.
.