Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn:

Không có vùng cấm trong hoạt động kiểm toán

Chủ Nhật, 22/09/2013, 12:21
Thực trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực... nhưng công tác đấu tranh còn rất hạn chế; nhiều vụ việc sai phạm bị phát hiện tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ sau thanh tra, kiểm toán nhưng ít chuyển cơ quan điều tra... là những băn khoăn không chỉ của các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà còn là bức xúc của người dân trước quốc nạn tham nhũng hiện nay. Nhân sự kiện này, phóng viên chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Vạn - Tổng Kiểm toán Nhà nước về những vấn đề người dân đặc biệt quan tâm.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, với người dân thì khó có thể biết hoạt động kiểm toán bao gồm những gì. Nhưng họ rất quan tâm những kết quả nổi bật của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã làm được gì. Kết quả đó đã có tác động cụ thể nào trong việc phát hiện, xử lý sai phạm của các cá nhân và doanh nghiệp, góp phần vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: Hoạt động kiểm toán Nhà nước những năm qua đều tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm như: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hoạt động tín dụng của các tổ chức tài chính, ngân hàng nhằm cung cấp kết quả kiểm toán cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác quản lý, điều hành kinh tế... Những lĩnh vực trên thường dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí.

Ví dụ như, chỉ tính riêng giai đoạn 2009 - 2012, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức kiểm toán 579 đầu mối, đã kiến nghị xử lý: Về tài chính 68.339 tỷ đồng (trong đó tăng thu NSNN về thuế, phí... là 8.432 tỷ đồng).

Rồi năm 2010, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo pháp luật sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; năm 2012, chuyển 5 vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó 3 vụ liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); tháng 8/2013, chuyển 1 hồ sơ liên quan đến DNNN sang cơ quan điều tra.

Kết quả kiểm toán như trên cho thấy, KTNN luôn quan tâm đến việc phát hiện và kiến nghị xử lý các sai phạm, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng tại các DNNN.

PV: Nổi lên hiện nay là các doanh nghiệp công ích được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng hoạt động lại kém hiệu quả, thiếu minh bạch mà biểu hiện cụ thể là việc chia lương cho lãnh đạo tới 2,6 tỷ/năm, trong khi thực hiện chế độ cho công nhân lại sai quy định. Phải chăng cơ quan Kiểm toán Nhà nước chưa phát hiện được những sai phạm này, thưa đồng chí?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: Những sai phạm về chế độ tiền lương đối với lãnh đạo các doanh nghiệp công ích được các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều trong thời gian gần đây thực chất là những thông tin KTNN đã phát hiện qua cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2012 của TP Hồ Chí Minh (cuộc kiểm toán đến nay đã thực hiện xong, báo cáo kiểm toán sắp được phát hành theo quy trình).

Kết quả kiểm toán cho thấy: các doanh nghiệp công ích của TP Hồ Chí Minh được kiểm toán hoạt động hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ công ích được giao, tuy nhiên có việc chi lương sai quy định. Mặc dù chưa kết thúc cuộc kiểm toán nhưng ngay sau khi có phát hiện tình hình này, chúng tôi cũng đã thông tin kịp thời với lãnh đạo thành phố.

Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có những giải pháp kiên quyết và kịp thời xử lý thông tin như báo chí đã đăng.

PV: Giá xăng dầu, giá điện, than là những mặt hàng chiến lược. Nhưng người dân thấy rằng cấu thành giá các mặt hàng này đều do các đơn vị chủ quản (còn mang tính độc quyền) đề xuất, do vậy thiếu tính minh bạch.

Cơ quan KTNN có nhận thấy rõ những bất cập trong vấn đề này? Và với trách nhiệm, quyền hạn của KTNN, thời gian tới việc kiểm toán giá điện, xăng dầu, than có tiêu chí gì mới để tránh độc quyền, đảm bảo công khai minh bạch?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: Vấn đề giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện đang là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến ổn định chính sách vĩ mô được Quốc hội, Chính phủ cũng như dư luận xã hội quan tâm.

Thời gian qua, KTNN cũng đã thực hiện kiểm toán đối với các đơn vị quản lý, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (kiểm toán năm 2012), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Chuyên đề về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009 - 2010 (kiểm toán năm 2011).

Kết quả kiểm toán cho thấy, về mặt quản lý, Nhà nước đều có các quy định kiểm soát giá bán điện, xăng dầu,... Các bộ, ngành chức năng thực hiện quy trình quản lý theo các quy định hiện hành.

Qua kiểm toán chuyên đề trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009 - 2010 ở một số đơn vị, nổi lên một số vấn đề như: Quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu, quản lý giá, bình ổn giá của hai Bộ Tài chính và Bộ Công Thương còn có những vướng mắc khi áp dụng thực tế.

Cụ thể là công thức tính giá cơ sở chưa phù hợp theo cách tính giá xăng dầu thế giới; hướng dẫn việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến tăng chi phí, tăng giá cơ sở và tạo nên quỹ ảo; định mức chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được điều chỉnh theo quy định trong khi các yếu tố chi phí đầu vào có biến động tăng;…

Từ đó, KTNN đã kiến nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, tồn tại trong điều hành, quản lý giá xăng dầu theo đúng quy định, trong đó giá bán xăng dầu cần được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Đối với giá điện, hiện Nhà nước đang thực hiện điều chỉnh theo lộ trình với quy định chặt chẽ, trong đó nêu rõ trường hợp được tăng giá. Kết quả kiểm toán 2010 đã phát hiện nhiều khoản thu không được EVN đưa vào giá thành;

Năm 2011, KTNN đã xác định giá thành điện trên cơ sở tính đủ các yếu tố đầu vào theo giá thị trường, chỉ ra những hạn chế trong việc quy định giá bán điện nội bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

KTNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thiện các quy định, từng bước thực hiện chủ trương xóa bao cấp qua giá điện đối với sản xuất, đồng thời để các doanh nghiệp tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng.

Dư luận đang đòi hỏi Kiểm toán Nhà nước làm sáng tỏ giá điện, xăng, than.

PV: Việc tăng giá điện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giá điện chỉ được tăng khi hội đủ các yếu tố: Khi thông số đầu vào biến động, có báo cáo quyết toán, kiểm toán... nhưng các con số trên (đầu vào, đầu ra, lỗ, lãi...) lại chỉ được dựa trên báo cáo của EVN.

Đây chính là điều mà người dân bức xúc khi tăng thì nhanh mà giảm thì chậm gây thiệt hại tới người tiêu dùng, không chỉ giá điện mà cả với giá xăng dầu. Phải chăng vì tính chất quan trọng của các lĩnh vực này mà hoạt động kiểm toán không thể minh bạch những yếu tố đó, thưa đồng chí?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: Những vấn đề nói trên liên quan đến nhiều cơ chế chính sách, cũng như cơ quan đơn vị quản lý. Riêng hoạt động kiểm toán không có vùng cấm, mà phải trên cơ sở quy định của luật. Để minh bạch quản lý các mặt hàng chiến lược trên, chúng ta đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, nhưng phải có lộ trình.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.