Hiện tượng tư thương xuất khẩu gạo bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc:

Không ảnh hưởng đến dự trữ lương thực

Thứ Ba, 24/08/2010, 11:07
Vào thời điểm hợp đồng xuất khẩu đã ký được tới con số 6,2 triệu tấn nhưng lượng gạo mới xuất đi được trên 4,1 triệu tấn thì việc một số tư thương thực hiện mua với số lượng khoảng 600 ngàn tấn lúa rồi xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc thời gian gần đây khiến một số người có trách nhiệm phải lo ngại với số gạo còn phải xuất đi.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất lúa của cả nước cho thấy việc này không hề gây ảnh hưởng tới vấn đề an ninh lương thực hay chỉ tiêu xuất khẩu gạo. Mà trái lại, đây là hiện tượng tích cực bởi người trồng lúa có thêm sự lựa chọn đầu mối để bán và được hưởng cạnh tranh giá giữa thương lái thu mua lúa phục vụ cho việc xuất khẩu gạo chính ngạch, tiểu ngạch.

Trước hiện tượng tư thương tham gia thu gom xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phân tích: Rõ ràng bà con nông dân đã có lợi từ việc cạnh tranh mua lúa của thương lái khi giá lúa đã được đẩy lên bán với giá 4.200 - 4.700 đồng/kg và đến thời điểm này, lượng lúa còn tồn trữ trong dân hầu như đã được bán hết. Nhưng với mức chi phí sản xuất nông nghiệp cao như hiện nay, khi bán với giá 4.500 đồng/kg nông dân mới có lãi chút ít, còn bán giá 4.000 đồng/kg trở xuống là không có lãi.

Nhắc đến vấn đề xuất khẩu gạo, ông Lượng cho rằng, không thể chỉ giao cho một mình VFA đứng ra chọn lựa doanh nghiệp được tham gia vào việc xuất khẩu gạo. Bởi như vậy, các doanh nghiệp ngoài VFA dù có điều kiện cũng không được chọn, 48 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo hiện nay đều là thành viên của VFA. Trong khi đó, các doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo này lại không thể có đủ lực lượng, phương tiện hoặc kho chứa… để tiến hành thu mua lúa trực tiếp từ nông dân mà phải thông qua một đầu mối khác là tư thương.

Sẵn có hệ thống nhà máy xay, kho dự trữ lại gần như được doanh nghiệp xuất khẩu gạo "bảo kê" chắc chắn đầu ra nên việc thương lái ép giá với nông dân là khó tránh khỏi. Thực tế đã cho thấy, trước khi có sự tham gia mua lúa để xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch của một số tư thương, mặc dù Chính phủ đã 2 lần chỉ đạo việc mua tạm trữ lúa vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu để hỗ trợ nông dân; tránh để xảy ra cảnh "được mùa, rớt giá" và lượng lúa tạm trữ mua vào đã đạt khoảng 1 triệu tấn. Tuy vậy, giá lúa hầu như không tăng, chỉ đến khi thương lái làm xuất khẩu tiểu ngạch nhảy vào mua, giá lúa mới nhích lên so với thời điểm đầu năm. Theo ông Lượng, với giá bán lúa như vừa qua, nông dân đã bắt đầu có lãi nhưng chắc chắn chưa thể lãi tới mức 30% trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hiện tại, khi lượng lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu đã không còn là vấn đề khiến những người làm xuất khẩu gạo phải lo lắng, thì việc còn lại chỉ là xuất với giá nào; xuất vào thời điểm nào… để có lợi cho cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo và bà con trồng lúa. Đây chính là vấn đề người dân đang quan tâm

.
.
.