Khởi động khung pháp lý cho Quỹ đầu tư mạo hiểm

Chủ Nhật, 08/05/2016, 08:22
Trước nhu cầu của DN, Bộ KH&ĐT đã xây dựng, và xin ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. 

Theo khảo sát của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), hiện có nhiều nhà đầu tư tư nhân thực sự có nhu cầu góp vốn hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các dự án của doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng. Tuy nhiên, để thành lập một quỹ đầu tư như mô hình quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán thì các điều kiện thành lập quá cao, khắt khe mà các nhà đầu tư quy mô nhỏ không thể đáp ứng.

Trước nhu cầu của DN, Bộ KH&ĐT đã xây dựng, và xin ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Đây được coi là khung pháp lý hoàn thiện nhất từ trước tới nay để chính thức hóa việc thành lập và đưa Quỹ đầu tư mạo hiểm trở thành một trong những phương thức đầu tư tài chính khả thi giúp hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo mang lại giá trị cho nền kinh tế và xã hội.  

Dự thảo đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng khởi nghiệp cũng như các tổ chức, DN và đặc biệt là các quỹ đầu tư. 

Quỹ góp phần tạo nên làn sóng thu hút vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết, xét về bản chất thì đầu tư mạo hiểm cho Start-up không giống với đầu tư chứng khoán. Đối tượng đầu tư trong chứng khoán thường là các công ty đã và đang hoạt động, có sản phẩm/hàng hóa trên thị trường, đã có doanh thu và thậm chí đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Trong khi đó, Start-up có thể là các cá nhân/nhóm cá nhân có ý tưởng sáng tạo đang trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và hình thành mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. 

Do đó, nếu áp dụng quy định của Luật Chứng khoán cho Quỹ đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp sáng tạo sẽ không phù hợp và không khuyến khích các nhà đầu tư cùng nhau góp vốn thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm cho Start-up.

“Ví dụ đối với quỹ đại chúng, một trong số các điều kiện thành lập là yêu cầu phải có ít nhất 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất là 50 tỷ đồng; đối với quỹ thành viên, điều kiện là vốn thực góp tối thiểu đạt 50 tỷ đồng và có tối đa 30 thành viên góp vốn là pháp nhân; vốn tối thiểu để được thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán là 50 tỷ đồng, điều này là rất khó khăn đối với các nhà đầu tư tư nhân”, ông Hùng lý giải. 

Đây cũng là lý do Cục Phát triển doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh tên gọi nhiệm vụ quy định tại Điều 67 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-11-2015 là hướng dẫn về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng Thông tư hướng dẫn thành lập.

Đây là khung pháp lý rất cần thiết và tạo điều kiện hình thành sân chơi chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân cho khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, dự thảo Thông tư cũng đưa ra một khung khổ pháp lý mang tính định hướng của những cam kết về hàng loạt điều kiện ràng buộc giữa nhà sáng chế, sáng tạo hay chủ của những ý tưởng đổi mới với những người cấp vốn. 

Những cam kết này dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và Nhà nước sẽ không can thiệp vào quan hệ này. Việc nhìn nhận đây là nguồn tài chính hợp pháp trong xã hội sẽ giúp nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào loại hình này hơn trong tương lai và đây được coi là điểm mở của quỹ góp phần tạo nên làn sóng thu hút vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

Phan Đức
.
.
.