Khổ vì cau, đau vì sả

Thứ Ba, 11/11/2008, 14:45
Không được định hướng kịp thời, diện tích trồng mở rộng một cách ồ ạt; sản phẩm làm ra tiêu thụ khó, không có người mua... đã đẩy hàng trăm hộ nông dân trồng cau, sả ở Quảng Ngãi lâm vào tình cảnh "dở khóc, dở cười".

Khổ vì cau

Đang là thời gian đỉnh điểm của vụ thu hoạch, thế nhưng dọc theo các con đường dẫn vào các xã: Hành Nhân, Hành Trung... huyện Nghĩa Hành, vùng trồng cau lớn nhất, nhì của tỉnh, với diện tích hiện gần 300ha vẫn trong cảnh vắng lặng.

Chị Nguyễn Thị Nhân, một người trồng cau ở thị trấn Chợ Chùa thở dài: Cứ tưởng sau mấy năm liên tục giảm thì vụ thu hoạch năm nay giá cau sẽ đỡ hơn, nào ngờ càng tụt xuống thảm hại hơn trước.

Với vườn cau hơn 200 cây đang cho trái của gia đình, thế nhưng vừa qua bán chưa được chưa đến 300.000 đồng. Bán được đã là một sự may mắn, bởi lẽ nhiều hộ trồng cau khác cho biết: Đã kêu thương lái nhiều lần nhưng vẫn không thấy đến mua.

Bà Huỳnh Thị Xanh, chủ một cơ sở thu mua, chế biến cau lớn và cũng là người được xem là "lão làng" trong việc kinh doanh mặt hàng này ở Quảng Ngãi không giấu giếm: Cùng thời điểm này những năm trước, mỗi ngày mua từ 4-5 tấn quả cau tươi để chế biến. Thế nhưng năm nay chỉ mua khoảng 500-800 kg/ngày. Nguyên nhân là do không tiêu thụ được; giá cau đã sơ chế hiện chỉ còn 12 triệu đồng/tấn cau khô, giảm 18 triệu đồng/tấn so với năm trước.

Tuy nhiên cũng không ai biết chắc giá sẽ giảm nữa hay không. Được biết riêng cơ sở này hiện còn tồn trên 20 tấn cau đã sơ chế chưa bán được. Cau rớt giá không chỉ nông dân, cơ sở chế biến mà số đi thu gom (những người mua cau của nông dân chở về cho các cơ sở chế biến) cũng vạ lây.

Anh Nguyễn Văn Bốn, một thương lái ở Quảng Phú than thở: Mấy vụ trước bình quân mỗi ngày đi 2 chuyến cũng kiếm được trên 150.000 đồng, còn vụ này chưa đến 60.000 đồng. Giá cau thì ngày một "bèo bọt" như vậy nên không ít người đã tính chuyện phá bỏ để trồng cây khác.

Đau vì sả

Còn ở Minh Long, nỗi khổ vì cây sả của hàng trăm hộ dân bắt đầu từ năm ngoái, khi tiểu thương các nơi đổ dồn về đây mua sả. Vì vậy mà giá sả từ 3.000-4.000 đồng/kg tăng dần lên đến 10.000-12.000 đồng/kg. Thấy được giá, hơn nữa sả là loại cây rất dễ trồng và không phải tốn nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc... nên các hộ dân trong vùng thi nhau trồng.

Chỉ riêng xã Long Sơn, theo ước tính của chính quyền địa phương thì: Vụ mùa năm 2007, số trồng sả trên 500 hộ, chiếm gần 1/2 tổng số hộ của xã, với diện tích hơn 100ha. Tuy nhiên đã gần qua thời điểm thu hoạch rồi mà chẳng thấy ai hỏi mua cả.

Đưa tay chỉ về phía đám sả gần 1,5 sào mà nhiều bụi, lá đã chuyển sang màu vàng, một số khác thì bắt đầu rụi, chị Nguyễn Thị Tâm, ở xã Long Sơn, huyện Minh Long giọng não nề: Chờ hoài nhưng chẳng thấy ai hỏi gì, nhìn đám sả đang "chết đứng" dưới mưa mà nẫu cả ruột.

Còn anh Phạm Trung Thành, một trong số những người "chuyên canh" loại cây này ở Long Sơn nói như mếu: Mấy vụ trước chỉ trồng 2 sào và bán được hết, với giá 4.000 -5.000 đồng/kg. Năm nay thấy giá tăng gấp đôi nên gia đình chuyển 5 sào đất trồng đậu phụng và một số hoa màu khác sang trồng sả. Tưởng rằng kiếm thêm chút ít, ai ngờ... Năm ngoái từ bán sả có hộ bán thu hơn 20 triệu đồng, đủ tiền mua sắm vật dụng nên vụ này người ta thi nhau trồng sả.

Ngay cả vùng đất ven sông Phước Giang màu mỡ, vốn để tỉa bắp, trồng đậu phụng, đậu xanh... nhưng vụ này cũng nhường chỗ cho cây sả, để rồi như các chú thấy đó, ông Phạm Đình Kim, người dân ở đây thở dài.

Qua số phận của cây sả, cây cau, thiết nghĩ chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, định hướng cho nông dân để phát triển các loại cây trồng phù hợp; tránh tình trạng khi giá cả lên cao thì bà con đổ xô mở rộng diện tích, để rồi lại rơi vào cảnh: sản phẩm làm ra không tiêu thụ được như vừa qua

Công Nguyễn
.
.
.