Khó hài hòa lợi ích các bên khi ngân hàng sáp nhập

Thứ Hai, 21/04/2014, 10:41
Sau việc sáp nhập, hợp nhất thành công của một loạt các ngân hàng nhỏ trong các năm 2011 - 2013, tháng 4 này tiếp tục có thêm nhiều ngân hàng nhỏ lên kế hoạch sáp nhập vào với ngân hàng lớn để tồn tại. Tuy nhiên, việc thực hiện sáp nhập vẫn còn những vấn đề khúc mắc chứ không suôn sẻ như những lần sáp nhập, hợp nhất thành công trước đây. Trong đó, nguyên do lớn nhất là kế hoạch hợp nhất không bảo đảm quyền lợi hài hòa cho các bên.

Mở đầu cho việc sáp nhập không suôn sẻ này, trong đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 18/4, tuy chủ trương sáp nhập với ngân hàng khác vẫn được HĐQT Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đưa ra trình cổ đông xem xét quyết định, nhưng cái tên Ngân hàng Vietinbank mà PG Bank dự tính sẽ sáp nhập vào trước đó đã không còn được nhắc đến... Suôn sẻ hơn PGBank, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 19/4, HĐQT Ngân hàng Maritime Bank cũng đã trình cổ đông việc xin sáp nhập ngân hàng Mekong Bank.

Với lý do khá thuyết phục là để bổ khuyết và đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới và khách hàng ở khu vực đồng bằng sông cửu Cửu Long – nơi hệ thống Maritime Bank còn hạn chế. Đã vậy, dù giá trị sổ sách của cổ phiếu gần như tương đồng, thì vấn đề hoán đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng sau sáp nhập theo tỷ lệ 1 đổi 1 đã bị nhiều cổ đông Maritime Bank băn khoăn sẽ gây thiệt thòi cho cổ đông ngân hàng lớn trước khi quyết định thông qua.

Hài hòa lợi ích cổ đông khi sáp nhập là điều không dễ với nhiều ngân hàng.

Trước đó, ngày 25/3, ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng đã trình cổ đông kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Southern Bank với lý giải thuyết phục là để tăng quy mô hoạt động; hoàn thành chương trình tái cấu trúc giai đoạn 2011–2020… Nhưng cũng đã vấp phải những ý kiến phản đối về tỷ lệ hoán đổi... 

Sau sự kiện EVN thoái vốn ở mức từ hòa tới lỗ chứ không có lãi trong vụ chuyển nhượng 25,2 triệu cổ phiếu ABBank sau nhiều năm sở hữu cho Geleximco với giá trị chỉ có 252 tỷ đồng; tức giá chỉ có 10 ngàn đồng/CP để giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ABBank từ 21,27% vốn điều lệ tại ngân hàng này xuống còn mức trên 16%. Đến lượt Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex phải giảm tỷ lệ sở hữu tại PGBank từ 40% hiện nay xuống 20% vào năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ. Song theo nhận định của giới tài chính, rất may việc sáp nhập vào Vietinbank chưa thành; chứ nếu sáp nhập vào với ngân hàng này, tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tính trên số vốn của Vietinbank sẽ giảm rất mạnh.

Trước áp lực thoái vốn, HĐQT PGBank cũng dự tính sẽ trình cổ đông chấp thuận chủ trương thực hiện phương án cho phép ngân hàng khác phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu PGBank và sở hữu 99% cổ phần của PGBank. Tỷ lệ hoán đổi không thấp hơn mức 0,82 cổ phiếu của PGBank đổi lấy 1 cổ phiếu của ngân hàng khác. Nếu cách này được thực hiện, cổ đông Petrolimex còn có thể hy vọng sẽ vớt vát lại chút lời lãi với phần vốn đã bỏ ra đầu tư vào PGBank. 

Để hạn chế tối đa tổn thất cho khoản tiền đã đem đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất mức được phép giảm giá bán tối đa với cổ phần chỉ là 10% sau khi đấu giá không thành công để thay thế cho quy định được giảm giá tới 30% như hiện nay. Nhưng như chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, thì sự biến mất của các tổ chức tín dụng sẽ kéo theo sự hao tổn về tiền bạc và công sức mà các tổ chức này đã bỏ ra trong nhiều năm để xây dựng thương hiệu. Kéo theo đó, tình trạng ngân hàng lớn “ngắc ngứ” với đống nợ xấu được chuyển sang từ các ngân hàng yếu kém cũng đã xuất hiện

Đ.Thắng
.
.
.