Khó chống thuốc lá lậu vì 'siêu' lợi nhuận

Thứ Ba, 10/02/2015, 09:25
Hơn 2 triệu bao thuốc lá lậu bị thu giữ, tiêu hủy; xử phạt hàng chục tỷ đồng cùng nhiều vụ án bị khởi tố kể từ sau khi đợt cao điểm chống thuốc lá lậu được thực hiện từ năm 2014. Tuy nhiên, đến nay cuộc chiến thuốc lá lậu vẫn còn rất gian nan, do cái gốc của vấn đề chưa được xử lý triệt để - chính là tình trạng chênh lệch giá quá lớn giữa thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập lậu. Với mức lợi nhuận 30 - 40%, khó có biện pháp hành chính nào khiến các đối tượng từ bỏ lợi nhuận, đặc biệt khi chế tài xử phạt hiện còn rất nhẹ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Ban chỉ đạo 389 quốc gia: Thời gian qua, tình hình buôn lậu thuốc lá diễn ra phức tạp trên 3 tuyến biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Tại địa bàn phía Bắc, thuốc lá điếu ngoại được đóng gói trong các container vận chuyển từ nước ngoài bằng tàu biển về Việt Nam. Mặt hàng chủ yếu là các loại thuốc 555, Esse, Malboro.

Khi hàng hóa về đến cảng sẽ được làm thủ tục tạm nhập – tái xuất hoặc được làm thủ tục nhập kho ngoại quan để vận chuyển qua các cửa khẩu biên giới như Móng Cái, Vạn Gia (Quảng Ninh) để tái xuất đi Trung Quốc. Sau đó, tại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, các đối tượng sang mạn thuốc lá cho các xuồng cao tốc, lợi dụng đêm tối và địa hình phức tạp để vận chuyển về khu vực Cẩm Phả và Hạ Long (Quảng Ninh).

Sau khi được đưa lên bờ, số hàng hóa này sẽ được vận chuyển bằng đường bộ đi Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh khác để tiêu thụ. Đặc biệt tại khu vực Tuần Châu (TP Hạ Long), các đối tượng sử dụng xuồng cao tốc có 8 máy để vận chuyển thuốc lá vào bờ. Ước tính, mỗi xuồng cao tốc có thể vận chuyển 300 – 600 thùng thuốc lá, giá trị ước tính khoảng 3- 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thuốc lá do Trung Quốc sản xuất được nhập lậu nội địa bằng cách cất giấu vào cốp ôtô, giấu lẫn vào hàng hóa. Tình hình này cũng diễn ra phức tạp tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai.

Thuốc lá lậu bị lực lượng chức năng bắt giữ tại Vĩnh Long.

Tại khu vực miền Trung, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá chủ yếu diễn ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị; mặt hàng chủ yếu là Jet, Dullhill, White Horse, 555. Thủ đoạn chủ yếu là nhập thuốc vào khu kinh tế cửa khẩu (được miễn thuế), sau đó hợp thức việc bán hàng cho cư dân biên giới để chuyển vào nội địa. Thuốc lá từ Lào nhập lậu vào Việt Nam còn diễn ra dưới hình thức các đầu nậu thuê người dân địa phương cất giấu trong người, lẫn vào hàng hóa, lợi dụng đường mòn để vận chuyển vào trong nước.

Riêng tuyến biên giới Tây Nam, phức tạp nhất là tại các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang. Bộ Công Thương cho biết, trọng điểm của tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia nằm ở khu vực biên giới huyện Đức Huệ và địa bàn trung chuyển huyện Đức Hòa tỉnh Long An; thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên); xã Khánh An, thị trấn Long Bình (huyện An Phú) tỉnh An Giang; khu vực 2 bên cửa khẩu Hà Tiên (huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Tại Tây Ninh, địa bàn trong điểm là khu vực từ Phước Chỉ đến cửa khẩu Mộc Bài.

Ngoài ra, thuốc lá lậu còn được vận chuyển trên tuyến sông Bình Di giáp với khu vực biên giới của An Giang và Long An. Đây là tuyến sông giáp ranh, nên khi lực lượng chức năng truy quét thì các đối tượng liền cho phương tiện chạy sang tỉnh kia, gây khó khăn cho truy bắt.  Thuốc lá lậu này chủ yếu cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Được biết, riêng trong quý IV năm 2012, lực lượng Hải quan đã phát hiện bắt giữ 138 vụ buôn lậu thuốc lá, thu giữ gần 1,7 tấn nguyên liệt, hơn 283.000 bao thuốc lá với trị giá ước tính trên 5 tỷ đồng, bắt giữ 19 đối tượng. Trong năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã kiểm tra trên 9.000 vụ, xử lý gần 5.000 vụ với tổng số tiền xử phạt hành chính là 24 tỷ đồng, thu giữ gần 2 triệu bao thuốc lá, 11 ô tô, 712 xe máy, 8 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan Công an khởi tố 32 vụ.

Hiện nay, do mức chênh lệch cao giữa thuốc lá ngoại và thuốc lá sản xuất trong nước (Hero chênh từ 8.000 – 10.000 đồng/bao, Jet từ 10.000 – 12.000 đồng/bao, Esse là 3.500 – 4.000 đồng/bao, tức là lợi nhuận lên tới 30 – 40%) nên các đối tượng buôn lậu bằng nhiều hình thức, thủ đoạn rất tinh vi. Việc vận chuyển được diễn ra liên tục, bất kể ngày đêm, lúc trời mưa, bão... chỉ cần tránh đường lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, thời gian, cung đường hoạt động cũng thường xuyên được thay đổi.

Dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng dự báo trong 2015, tình hình buôn lậu, đặc biệt là thuốc lá vẫn chưa giảm. Vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt, như do địa hình biên giới phức tạp, đối tượng buôn lậu thường vận chuyển qua các đường mòn, lối mở 2 bên cánh gà cửa khẩu, trong khi lực lượng chức năng mỏng, không đủ sức để giăng ra các điểm. Trong khi đó, đời sống cư dân biên giới còn chật vật, trình độ hiểu biết pháp luật thấp, người dân lại không có việc làm ổn định nên dễ bị lôi kéo vận chuyển hàng lậu.

Cùng với đó, hiện các đầu nậu buộc người dân phải đặt cọc tiền hàng, nếu mất hàng là mất tiền, nên khi bị lực lượng chức năng chặn bắt, những người vận chuyển thuê thường chống đối quyết liệt để giữ lại hàng. Cùng với đó, đầu nậu cũng thường cử các đối tượng canh chừng để báo tin cho các đối tượng vận chuyển biết khi có lực lượng chức năng xuất hiện, nhưng hiện chưa có chế tài xử lý đối với các đối tượng tiếp tay cho buôn lậu này.

Nam Phương
.
.
.