Kho bạc “điểm mặt” chi ngân sách sai

Thứ Sáu, 06/11/2009, 09:29
Có một số lĩnh vực, do có vướng mắc thực tế trong cơ chế chi tiêu, nên các vi phạm thường xảy ra nhiều hơn, ví dụ trong lĩnh vực chi y tế thường mắc lỗi nhiều nhất về hồ sơ đấu thấu mua thuốc…

Kho bạc từ chối nhiều khoản chi sai tại một số đơn vị. Ảnh minh hoạ.

Đến hẹn lại lên, hằng tháng, Kho bạc Nhà nước (KBNN) lại báo cáo số liệu trong tháng về Bộ Tài chính. Theo đó, các khoản chi không đúng quy định bị KBNN từ chối thanh toán ngày càng tăng cao, tháng sau cao hơn tháng trước, năm sau cao hơn năm trước.

Riêng 10 tháng đầu năm 2009, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát ước đạt 175.000 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN qua KBNN.

Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện 37.500 khoản chi của 16.200 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 240 tỷ đồng chi không đúng chế độ quy định.

Vi phạm chi thường xuyên ở nhiều lĩnh vực

Theo ông Tạ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc KBNN, thì các loại vi phạm về điều kiện chi nêu trên xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực chi thường xuyên của NSNN. Tuy nhiên, cũng có một số lĩnh vực, do có vướng mắc thực tế trong cơ chế chi tiêu, nên các vi phạm thường xảy ra nhiều hơn, ví dụ trong lĩnh vực chi y tế thường mắc lỗi nhiều nhất về hồ sơ đấu thấu mua thuốc, như mặt hàng mua không có trong danh mục đấu thầu, hoặc vượt dự toán.

Do việc mua của các cơ sở y tế công lập theo chế độ tài chính hiện hành, được giao cho một đơn vị thuộc ngành y tế tổ chức đấu thầu ngay từ đầu năm; căn cứ quyết định phê duyệt kết quả thầu của cấp có thẩm quyền, các đơn vị y tế công lập khác trên địa bàn thực hiện ký hợp và mua theo giá trúng thầu. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế về mặt hàng thuốc trong năm phát sinh rất đa dạng do dịch bệnh xảy ra không kế hoạch trước được,  giá cả lại biến động dẫn đến nhiều trường hợp các đơn vị có nhu cầu phải mua thuốc không có trong danh mục đấu thầu, hoặc theo giá đã có điều chỉnh.

Đối với lĩnh vực giáo dục, thường mắc lỗi nhiều nhất là khoản chi mua thiết bị trường học vượt dự toán, chưa chấp hành đầy đủ thủ tục đấu thấu mua sắm; chi tiền dạy vượt giờ chưa đúng quy định. Các vi phạm cũng thường xảy ra đối với khoản chi mua sắm, trang bị tài sản, phương tiện đi lại như chi vượt dự toán, chi vượt tiêu chuẩn, định mức; hồ sơ mua sắm không có quyết định lựa chọn nhà thầu, hợp đồng kinh tế; tài sản mua sắm nằm trong danh mục tài sản dừng mua sắm…

Theo số liệu của KBNN đưa ra, kết quả kiểm soát chi  9 tháng đầu năm 2009 cho thấy các đơn vị KBNN đã phát hiện 37.700 khoản chi của 13.500 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, đã từ chối thanh toán số tiền khoảng 195 tỷ đồng. Con số này lớn hơn rất nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái là 23.087 khoản chi của 9.434 lượt đơn vị, từ chối 145,5 tỷ đồng.

Chi sai nhiều vì chưa có chế tài xử phạt?

Theo KBNN, các khoản chi được chấp thuận nếu đảm bảo đủ 4 điều kiện chi ngân sách, cụ thể: đã có trong dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức; được thủ trưởng đơn vị chuẩn chi và có đầy đủ hồ sơ, chứng từ cần thiết.

Thông qua quá trình kiểm soát chi, KBNN đã phát hiện nhiều khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục và các điều kiện chi quy định, như chi vượt dự toán hoặc chi vượt giá trị hợp đồng; chi chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức; chi sai mục lục ngân sách nhà nước; thiếu hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi; hoặc hồ sơ, chứng từ chưa hợp lệ, hợp pháp; chưa chấp hành đầy đủ thủ tục chi ngân sách đối với từng nội dung chi (thủ tục đấu thầu, thủ tục thẩm định giá, thủ tục chi nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ …).

Qua thực tế triển khai việc kiểm soát chi, có 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chi sai.

Một là hiện các quy định về chế độ, tiêu chuẩn định mức còn chưa đầy đủ, rõ ràng, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau; nhiều tiêu chuẩn, định mức còn lạc hậu so với thực tế cũng gây khó khăn cho đơn vị sử dụng NSNN trong việc chi tiêu cũng như kiểm soát chi của KBNN.

Thứ 2, các thủ tục về đấu thầu mua sắm, đầu tư, còn phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng quản lý nên không ít các đơn vị sử dụng ngân sách không nắm vững chế độ, dẫn đến trong quá trình triển khai không thực hiện đầy đủ thủ tục chế độ chi tiêu theo quy định.

Cùng với đó, một số đơn vị (đặc biệt là các đơn vị thuộc khối ngân sách xã) hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo do trình độ cán bộ kế toán còn yếu, đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nên trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, chứng từ chi còn nhiều sai sót, lúng túng dẫn đến KBNN phải trả đi, trả lại nhiều lần để hướng dẫn, bổ sung.

Ngoài ra, một số đơn vị sử dụng ngân sách chưa chấp hành đúng và đầy đủ các thủ tục chi ngân sách nhà nước do thủ trưởng đơn vị còn chưa sâu sát trong việc kiểm soát chi tiêu của đơn vị; cá biệt cũng có những trường hợp lợi dụng khai khống hồ sơ, chứng từ chi ngân sách.

Và một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng có sai sót của các đơn vị trong chi ngân sách là việc KBNN chưa có chế tài để xử lý vi phạm, việc xử lý của KBNN mới chỉ dừng lại ở mức từ chối thanh toán và trả lại hồ sơ, chứng từ cho đơn vị.

Để giảm thiểu tình trạng này, KBNN có 6 kiến nghị trong đó có kiến nghị xây dựng chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm điều kiện chi NSNN. Hiện nay, Bộ Tài chính đang giao cho KBNN chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi NSNN. Hy vọng, khi nghị định này được ban hành, sẽ là căn cứ pháp lý để xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có vi phạm trong lĩnh vực chi NSNN

Lệ Thuý
.
.
.