Khi nào “sơ tán” hết các DN gây ô nhiễm khỏi TP HCM?

Thứ Tư, 12/11/2008, 08:41
Theo chủ trương của UBND TP HCM, có 1.402 doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm phải di dời khỏi thành phố, nhưng cho đến nay vẫn còn 141 doanh nghiệp chưa hoàn thành việc di dời. Trong số này có 4 DN đã có mặt trong phiên điều trần trước Ban đại diện Kinh tế Ngân sách - HĐND TP ngày 7/11/2008 để "bảo vệ" quan điểm xin lùi thời điểm di dời.

Không đi được vì… cấp trên

Bốn đơn vị có mặt trong phiên điều trần ngày 7/11 gồm: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan, Công ty Dệt Sài Gòn, Công ty cổ phần Dệt may Gia Định - Phong Phú. Đơn vị nào cũng có những lý do khó khăn riêng cho việc di dời. Công ty Dệt Sài Gòn đưa ra một lý do thuộc về các cấp quản lý.

Từ năm 1998, đơn vị này đã xây dựng xong dự án di dời theo chỉ thị của UBND TP. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cũng đã được thông qua với điểm đến là Khu công nghiệp Tân Tạo cùng với khoản vốn di dời lên tới gần 360 tỷ.

Mọi sự đang thuận lợi thì ngày 23/9/2000, đơn vị nhận được công văn của Sở Công nghiệp TP yêu cầu ngưng thực hiện dự án để cổ phần hóa (CPH) xong mới triển khai di dời. Đến năm 2003, Công ty nhận được quyết định của TP duyệt dự án di dời. Với nguồn vốn sẽ huy động từ nguồn bán nhà xưởng là hơn 260 tỷ, phần còn lại là vốn ngân sách.

Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các nguồn vốn của công ty huy động chưa đủ, cho đến nay công ty vẫn còn thiếu gần 8 tỷ tiền thuê đất của Khu công nghiệp Tân Tạo. Do đó, dự án không tiến hành được và tới cuối năm 2007 công ty lại nhận được chỉ đạo: Tiếp tục lập lại phương án CPH trước khi di dời…

Theo đại diện của Công ty, do việc chưa nhất quán khi được lệnh di dời trước, CPH sau, khi ngược lại, làm cơ sở khó định hướng chiến lược trong sản xuất kinh doanh. Còn cho tới nay, công ty lại cho biết "kinh phí di dời là quá tầm".

Những kế hoạch tiếp tục… hành dân

Công ty Vissan có hai cơ sở thuộc diện phải di dời thì Xí nghiệp Chăn nuôi Gò Sao (tại số 9A phường Thạnh Xuân, quận 12) đã di chuyển xong đàn heo từ năm 2007. Nhưng nói đến Vissan là phải nhắc đến cơ sở gây nhiều phiền toái cho cư dân xung quanh về tình trạng ô nhiễm môi trường của mình, đó là nhà máy tại số 420 Nơ Trang Long, Bình Thạnh.

Cơ sở này cũng có dự án di dời từ năm 2007 nhưng vị trí đã lựa chọn là Khu công nghiệp Tân Tạo hiện không còn phù hợp nữa nên lại phải tìm địa điểm mới. Mặc dù địa điểm mới của công ty ở Bến Lức - Long An đang được san lấp mặt bằng, nhưng để thực hiện xong việc di dời theo đúng kế hoạch của công ty cũng phải đến cuối năm 2013.

Theo Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, do nhiều khó khăn nên nếu thuận buồm xuôi gió cũng phải đến năm 2010 mới có thể tiến hành xong di dời.

Ông Phan Minh Trí, thành viên Ban Kinh tế Ngân sách - Chủ tịch Hội Khoa học quản lý kinh tế TP cho biết: "Tôi hiểu việc di dời của các DN rất phức tạp,… nhưng di dời cơ sở giết mổ thì chưa làm mà đòi kéo dài tới 2013 thì người dân sẽ thêm 5 năm chịu đựng thêm mùi hôi thối, và cả tiếng ồn. Người dân ở đây có chấp nhận đề nghị này hay không? Với tư cách là một đại biểu HĐND, tôi không đồng ý".

Đại biểu Đặng Văn Khoa - HĐND - cũng cho hay, 10h đêm 6/11, đích thân ông đã xuống khu vực, tiếp cận toàn bộ hoạt động xử lý môi trường, quy trình giết mổ của Vissan. "Nhưng vẫn còn yếu kém lắm! Suốt đêm ầm ĩ đủ loại xe chở gia súc chạy rầm rầm, bò, heo… kêu inh ỏi. Mùi hôi kinh khủng của phân gia súc. Tôi nghĩ một đơn vị cung cấp thực phẩm tươi sống chủ lực cho TP mà lại có tên trong "danh sách đen" thì là một vấn đề nhức nhối! Không nên để xảy ra".

Theo ông Khoa, các DN đưa ra nhiều lý do chưa chính đáng… thể hiện thiếu sự công bằng, nghiêm túc.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cho biết, các ý kiến của DN sẽ được tập hợp đưa lên UBND TP, nhưng đã đến lúc các DN cuối cùng trong danh sách đen phải di dời nhưng nếu để DN tự xoay xở thì kế hoạch còn kéo dài.

Do đó, HĐND sẽ có hướng kiến nghị có sự hỗ trợ đồng bộ từ các ban, ngành liên quan về cả cơ chế và vốn, nhưng quan trọng hơn cả là không chỉ quan tâm đến việc DN phải đi mà còn phải quan tâm đến nơi DN sẽ đến. Liệu nơi họ đến sẽ chịu được bao lâu nếu như họ vẫn dùng công nghệ thô sơ như hiện nay?

Nga Huyền
.
.
.