Khẩn trương tăng nguồn cung thực phẩm

Thứ Ba, 19/07/2011, 10:40
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương khuyến khích phát triển vật nuôi, đặc biệt là gia cầm vì nhanh được xuất chuồng. Các địa phương cũng được khuyến nghị cần kích thích người dân đẩy mạnh gieo trồng, tăng nhập khẩu từ Trung Quốc để tăng lượng cung cho Hà Nội.

Trước tình hình biến động tăng của nhiều loại nông sản và thực phẩm, chiều 18/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức buổi họp khẩn bàn các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng này.

Rau xanh, thịt lợn đều đang đứng trước đà tăng giá

Vấn đề nóng trong thời gian gần đây chính là việc khan hiếm và tăng giá của thịt lợn. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Từ tháng 7/2010 đến nay, giá thịt lợn đã tăng 70-100%, và chắc chắn từ nay đến cuối năm chưa thể giảm. “Vấn đề là làm sao giữ cho giá không tăng nữa”. Do nguồn cung không đáp ứng đủ cầu; thêm vào đó là dịch bệnh từ cuối năm 2010 kéo sang đầu năm 2011 khiến tổng đàn giảm, và đặc biệt là giá lợn giống, thức ăn chăn nuôi, các chi phí điện, nước, nhân công đều tăng; lãi suất vay lại quá cao... đã khiến giá đầu ra của thịt lợn tăng vọt. Các hộ chăn nuôi giảm 10-30% tái đầu tư đàn do các nguyên nhân tâm lý, tiếp cận vốn khó, lãi suất cao.

Thu hoạch rau sạch. Ảnh: Duy Khánh.

Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân do tư thương thổi phồng, đẩy giá. Thịt lợn hơi họ chỉ mua khoảng 60.000-62.000 đồng/kg, nhưng khi bán thịt thì đẩy giá lên đến 120.000 – 130.000 đồng/kg. Không chỉ thịt, rau xanh cũng “vùn vụt” lên giá. Diện tích gieo trồng năm 2011 bằng năm 2010,  nhưng do bão sớm nên sản lượng giảm, đặc biệt tại Hà Nội, dự báo rau xanh sẽ “đứng” giá ở mức cao.

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Rau xanh ở các tỉnh phía Nam hầu như không có hiện tượng tăng giá đột biến, mức tăng chỉ từ 10-25%. Việc tăng giá đột ngột chỉ xảy ra ở phía Bắc, chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hải Phòng…

Cần nhanh chóng phát triển đàn gia súc

Để đáp ứng và điều tiết cung cầu nông sản, thực phẩm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương, Ngân hàng ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp, chủ động khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân gặp rủi ro được vay vốn, hỗ trợ 50% lãi suất vay chăn nuôi. Bộ Công thương cũng hứa sẽ ưu tiên cấp đủ điện cho khu vực chăn nuôi.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nêu biện pháp từ nay đến cuối năm, Cục này sẽ kết hợp với Cục Thú y khống chế dịch bệnh không cho lây lan, đồng thời, thúc đẩy vào giống nhanh, tăng  đàn, quay vòng để nhanh cung ứng ra thị trường. Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương khuyến khích phát triển vật nuôi khác, đặc biệt là gia cầm vì nhanh được xuất chuồng. Các địa phương cũng được khuyến nghị cần kích thích người dân đẩy mạnh gieo trồng, tăng nhập khẩu từ Trung Quốc để tăng lượng cung cho Hà Nội.

Từ năm ngoái đến nay, giá thịt lợn đã tăng gấp đôi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để giảm căng thẳng, về kỹ thuật, các cục, vụ theo dõi diễn biến giá cả thị trường của các loại thực phẩm chính, cùng với Bộ Công thương thông tin cho người sản xuất, tiêu dùng để người sản xuất yên tâm sản xuất, người tiêu dùng có định hướng đúng trong tiêu dùng; kiến nghị Chính phủ có những chính sách ưu tiên riêng biệt cho chăn nuôi để ngành này phát triển

Đề nghị kiểm soát chặt giá cả và nông sản qua biên giới

Trong cuộc họp chiều 18/7, Bộ Công thương đã đề nghị các địa phương phải kiểm soát, đăng ký giá theo quy định của Bộ Tài chính, để tránh tình trạng thương nhân tăng giá bất hợp lý, gây thiệt cho người tiêu dùng. Thêm vào đó là việc kiểm soát nông sản qua biên giới. Đại diện Bộ Công thương cho biết, dù Chính phủ đã chỉ đạo địa phương, bộ ngành có sự phối hợp chặt chẽ để kiểm soát tình trạng này, nhưng hiện nay, hầu hết các thương nhân nước ngoài khi đến thu mua nông sản của nông dân đều không có giấy phép mà vẫn tự do mua bán. Đến thời điểm này, chưa có chế tài để xử lý tình trạng trên.

Nhập lậu gia súc, gia cầm sống tăng mạnh

Báo cáo nhanh của Cục Thú y cho thấy, trong 1 tuần qua, lượng trâu, bò nhập khẩu về nước là hơn 7.000 con, chủ yếu từ Campuchia và Thái Lan. Thịt lợn nhập từ Trung Quốc  trong 1 tuần là 170 tấn, gà loại thải 4 tấn, nhưng lượng này được nhập qua tiểu ngạch. Có gần 8.000 tấn thịt gia súc, gia cầm đông lạnh được nhập chính ngạch từ các nước như Hoa Kỳ, Canada… Tuy nhiên, chiếm phần lớn là đùi, chân, cánh gà, một lượng nhỏ thịt trâu, bò và nội tạng gia súc, gia cầm.

Ông Phạm Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Thú y nhận định, mức nhập khẩu này tăng hơn nhiều so với các tháng đầu năm. Riêng gia súc và gia cầm sống nhập lậu từ Trung Quốc và 1 số nước lân cận trong nửa đầu tháng 7 cũng tăng mạnh hơn so với cả tháng 6. Tính đến nay, lượng thịt các loại nhập khẩu đã là hơn 53.000 tấn, trong khi, cả năm 2010 chúng ta chỉ nhập 83.000 tấn mà vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà không gây ra tình trạng sốt giá như năm nay.

Hân Yến
.
.
.