Khai thác khoáng sản ở Việt Nam: Bao giờ hết nghịch lý?

Thứ Năm, 08/07/2010, 10:36
Với lợi nhuận cao, số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực khai khoáng ở nước ta ngày càng đông. Đầu tư cho lĩnh vực khai khoáng cũng ngày một lớn. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ đóng góp của nó cho GDP thì lại ngày càng giảm so với các ngành kinh tế khác.

Khai thác bừa bãi kiếm lời trước mắt, đất nước ngày một "nghèo" đi, môi trường bị tàn phá… Ngành khai khoáng vẫn đang tồn tại rất nhiều nghịch lý mà nhiều nhà khoa học đầu ngành đã chỉ ra trong một cuộc họp bàn về khai thác tài nguyên bền vững thời gian gần đây.

Địa phương cấp phép tràn lan

Theo khảo sát của Viện Tư vấn phát triển (CODE), số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản tăng nhanh, đến năm 2007 đã có 1.692 DN tham gia lĩnh vực này, tăng gấp 4 lần so với năm 2000 (427 DN), bình quân tăng 21,7%/năm. Đầu tư của kinh tế tư nhân đang có xu hướng gia tăng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư (tăng từ 10% năm 2000 lên 75,2% năm 2008).

Với lợi nhuận trước mắt mà khai thác khoáng sản mang lại, số người muốn giành được quyền khai khoáng ngày càng lớn. Sự phát triển ồ ạt này nảy sinh bất cập là có những DN không đủ năng lực cũng lao vào khai thác, gây thất thoát và lãng phí tài nguyên.

Việt Nam đang đứng trước thực trạng phải nhập khẩu than.

Trong khi đó, công tác quản lý của Nhà nước, cụ thể là việc cấp phép lại đang tồn tại rất nhiều bất cập. Cấp phép không theo qui hoạch, cấp phép tràn lan, chia nhỏ để cấp hay cấp cho các tổ chức cá nhân không đủ năng lực… vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Có những địa phương lách luật bằng cách chia nhỏ những khoảnh đất với trữ lượng khoáng sản lớn ra để cấp phép, "né" việc phải xin phép Trung ương.

Có thể chứng minh bằng số liệu của Viện CODE, trong vòng chưa đầy 3 năm, UBND các tỉnh/thành phố đã cấp số giấy phép gấp 8 lần số các Bộ cấp trong 12 năm. Từ 1996 đến 2008, Bộ Công nghiệp và Bộ TN &MT chỉ cấp có 928 giấy phép hoạt động khoáng sản. Trong khi từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh/thành phố đã cấp đến 3.495 giấy phép.

Không chỉ thế, nạn khai thác không phép, khai thác tự do nhất là đối với vàng, đá quí, chì, kẽm, đồng, than… vẫn tràn lan ở khắp mọi nơi, chưa thể ngăn chặn. Công tác qui hoạch khai thác khoáng sản lại được các địa phương tiến hành rất chậm. Đến tháng 9/2009, mới có 47/64 tỉnh hoàn thành qui hoạch khoáng sản tại địa phương, nhưng việc khoanh định các vùng hạn chế, vùng cấm hoạt động khoáng sản, vùng dự trữ lại chưa được chú trọng.

DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, nên chỉ chú trọng xuất thô, thậm chí xuất lậu để kiếm lời. Nhà nước thất thoát nguồn thu lớn từ thuế đất, thuế tài nguyên, đặc biệt là tổn thất lớn do xuất khẩu quặng thô giá trị thấp. Việc khai thác tài nguyên trái phép kéo theo hàng loạt các hậu quả nghiêm trọng như tàn phá môi trường, làm thất thoát, lãng phí tài nguyên…

Đầu tư cao, hiệu quả thấp

Tổng vốn đầu tư cho ngành khai khoáng năm 2000 đứng thứ 6/18 và từ năm 2005 đến 2008 đứng thứ 5/18 so với các ngành khác trong tổng đầu tư cả nước. Tổng vốn đầu tư cho công nghiệp khai mỏ năm 2008 là gần 51.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,3 lần năm 2000 (9.588 tỷ đồng). Tốc độ tăng vốn đầu tư trung bình 2000 - 2008 khoảng 23,2%/năm.

Kết quả thống kê cho thấy, dù được đầu tư cao (đứng thứ 5 trong các ngành kinh tế) nhưng hiệu quả đầu tư của ngành khai khoáng góp vào GDP lại thấp hơn nhiều ngành kinh tế khác (năm 2000 đứng thứ 6 và năm 2008 đã tụt xuống thứ 8). Tỷ số giữa đóng góp vào GDP/tổng đầu tư thậm chí ngày càng giảm, như năm 2000 tỷ số này là 4,44 lần thì năm 2008 là 2,59 lần.

Theo thống kê của Bộ Công thương, giá trị sản phẩm khoáng sản xuất khẩu lớn nhất là dầu thô, nhưng cũng chỉ đủ để nhập khẩu lại xăng dầu cho các loại nhu cầu tiêu dùng trong nước. Số lượng lao động việc làm của ngành khai khoáng cũng chỉ đứng thứ 11/18 so với các ngành kinh tế khác. Không phủ nhận ngành khai khoáng đã tạo ra được nhiều việc làm, như năm 2008 có khoảng 431,2 nghìn người làm việc trong ngành khai khoáng nhưng thực chất chỉ có dưới 50% số người này có việc làm ổn định, số còn lại chỉ có việc làm ngắn hạn và thu nhập bấp bênh.

Nguyên nhân của nghịch lý trên là do khoáng sản Việt Nam xuất chủ yếu ở trạng thái thô, hiệu quả sử dụng và giá trị thấp. Đơn cử trường hợp ilmenit, nếu sản xuất được xỉ Titan giá trị sản phẩm sẽ tăng khoảng 2,5 lần; sản xuất được pigment giá trị sẽ tăng 10 lần; còn nếu sản xuất được titan kim loại thì giá trị sẽ tăng đến 80 lần; nhưng chúng ta lại hầu hết xuất thô.

Thêm vào đó, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác rất cao, đặc biệt ở các mỏ hầm lò, các mỏ địa phương quản lý. Theo Viện Nghiên cứu phát triển, tổn thất khai thác than hầm lò là 40-60%, khai thác apatit là 26-43%, quặng kim loại là 15-30%, dầu khí thậm chí còn là 50-60%. Do khai thác phần lớn là thủ công, nên đa số các mỏ nhỏ hiện chỉ lấy được những phần giàu nhất, bỏ đi toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng...

Nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo về "lời nguyền của tài nguyên" - tức là những nước giàu tài nguyên thường có nền kinh tế kém phát triển, phụ thuộc. Việt Nam liệu có thoát được lời nguyền này vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ

Vũ Hân
.
.
.