Khách vẫn khổ vì tin nhắn rác

Thứ Năm, 18/11/2010, 16:30
Sau gần hai năm thực hiện quản lý thuê bao trả trước, loại tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác vẫn tiếp tục xuất hiện và "khủng bố" điện thoại khách hàng.

Đề án "Quản lý thuê bao trả trước" được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) xây dựng từ năm 2005. Hàng loạt văn bản ra đời, nhiều biện pháp cứng rắn được triển khai nhằm quản lý thông tin khách hàng sử dụng thuê bao trả trước. Thế nhưng đến nay, chúng ta đã thu được kết quả như thế nào?

Cách đây gần một năm, khi Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra "hạn chót" đăng ký thuê bao trả trước là hết ngày 31/12/2009. Cảnh đổ xô đi "cứu" thuê bao trả trước gây hỗn loạn tại các đại lý, trung tâm dịch vụ của các mạng ĐTDĐ. Sau đó, do lượng khách hàng đến quá tải, không làm thủ tục kịp nên cơ quan chức năng gia hạn thêm một tháng cho khách hàng đăng ký tới ngày 31/1/2010.

Việc tuyên truyền mạnh cùng với các biện pháp cứng rắn đã có vẻ có tác dụng. Cũng tại thời điểm này, một loại dịch vụ mới phát sinh - "cò" đăng ký thuê bao. Mặc dù "cò" gây nhiễu thông tin, khiến nhiều khách hàng phải mất tiền chi phí, nhưng "cò" cũng giúp nhiều người không có thời gian hoàn thành được thủ tục bắt buộc này. Hiện tượng trên khiến cho hoạt động đăng ký thuê bao trả trước trở nên nóng hơn bao giờ hết. Những tưởng cứ theo đà ấy, thuê bao trả trước sẽ được quản lý chặt chẽ, đi vào nề nếp, quy củ. Nhưng, sự thực lại không phải như vậy.

Sau gần hai năm thực hiện quản lý thuê bao trả trước, loại tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác vẫn tiếp tục xuất hiện và "khủng bố" điện thoại khách hàng. Các thuê bao trả trước liên tục chuyển tin nhắn rác với nội dung lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của khách sử dụng ĐTDĐ như: "Chúc mừng khách hàng nhận được quà tặng từ bạn bè…", thậm chí là tin nhắn mời gọi đánh bạc: "Hôm qua 8779 đại thắng lô 9938 cặp lô phát lộc.

Theo nhận định từ các "chuyên gia soi cầu" hôm nay đã xuất hiện. Soạn tin IC gửi 8788 để nhận cặp lô ăn chắc nhất"… Những nội dung tin nhắn đại loại như vậy khiến khách hàng vô cùng bực mình, nhưng không thể chặn lại được.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bức xúc nói: "Đang đi xe máy trên đường đông thì thấy điện thoại báo có tin nhắn, tôi nghĩ có việc cần thiết nên phải tạt vào lề đường dừng xe mở máy ra xem. Đến khi đọc được, lại là một tin nhắn mời đánh bạc từ một thuê bao điện thoại khác. Kiểu lừa đảo này vừa khiến khách hàng mất thời gian, vừa bực mình…". Vậy, câu hỏi đặt ra là, việc quản lý thuê bao trả trước đã được thực hiện được một thời gian dài, tại sao nhiều thuê bao trả trước vẫn có thể "khủng bố", lừa đảo khách hàng?

Đã siết chặt quản lý đăng ký thuê bao nhưng tin nhắn rác vẫn hoành hành.

Trước bức xúc của các khách hàng sử dụng ĐTDĐ, phóng viên Báo CAND đã tìm hiểu thực tế và được biết, công tác quản lý thuê bao trả trước vẫn rất lỏng lẻo. Khách hàng có thể dễ dàng mua một chiếc sim điện thoại mà không phải đăng ký bằng chứng minh thư hoặc hộ chiếu theo quy định.

Một đại lý bán sim thẻ tại phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho biết: "Tôi đã đăng ký tất cả các sim ở đây rồi. Khách hàng không phải đăng ký nữa". Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp viễn thông sẽ không có được thông tin của người sử dụng thuê bao trả trước mua từ đại lý này. Trong khi đó, hiện tượng khuyến mãi lớn của các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông dành cho thuê bao trả trước càng kích thích khách hàng sử dụng thuê bao trả trước. Ngay tại thời điểm này, nhiều đại lý sim thẻ đưa ra thông tin: "Thẻ trả trước của Vinaphone khuyến mãi lớn, mua 55.000 đồng được sử dụng số tiền tới 200.000 đồng".

Theo thống kê của Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin Truyền thông, hiện nay có tới gần 72.000 người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức đăng ký thuê bao, trong đó có đến 1.400 người đứng tên từ 15 số thuê bao trở lên.

Cũng theo thống kê, hiện các nhà mạng có hơn 200.000 điểm giao dịch được ủy quyền nhưng trong số đó lại chỉ có 41.000 điểm được trang bị máy tính kết nối với mạng viễn thông hoặc Internet. Vì thế, thông tin kê khai của khách hàng được các chủ giao dịch dùng sim đa năng nhắn tin về trung tâm thông tin của nhà mạng để đăng ký. Tất nhiên, không thể xác minh được độ chính xác của các thông tin đó.

Siết chặt quản lý thuê bao trả trước bằng cách nào? Thiết nghĩ, quy định sử dụng thuê bao trả trước phải đăng ký bằng chứng minh thư đã là đủ. Nếu thực hiện triệt để thì cơ bản sẽ quản lý được thuê bao trả trước theo đúng yêu cầu đặt ra.

Điều đó cần đặt trách nhiệm chủ yếu lên doanh nghiệp kinh doanh mạng di động. Doanh nghiệp sẽ quản lý chặt chẽ các chủ đại lý, điểm bán sim thẻ. Như vậy, việc nắm bắt thông tin của khách hàng là hoàn toàn có thể. Làm được điều này, chúng ta sẽ ngăn chặn được tiêu cực phát sinh từ các thuê bao trả trước, làm lành mạnh môi trường cho dịch vụ ĐTDĐ

Việt Hà
.
.
.