Khách gửi 8 triệu Yên Nhật, ACB bảo 800 nghìn Yên

Chủ Nhật, 24/09/2006, 08:41

Vụ một khách hàng thế chấp 8 triệu Yên Nhật để vay vốn tại Ngân hàng Á Châu nhưng đến kỳ trả nợ, Ngân hàng lại cho rằng người khách chỉ ký gửi 800 nghìn Yên vẫn chưa ngã ngũ. Hiện cả hai cùng đưa đơn ra TAND quận 3 kiện nhau.

Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ngân hàng Á Châu (tên giao dịch quốc tế là ACB) đã có những thành công nhất định, và đã được đánh giá là "Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2005", "Thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam năm 2005", "Sản phẩm dịch vụ lãnh vực tài chính, ngân hàng xuất sắc nhất năm 2005"... Tuy nhiên, một vụ việc vừa xảy ra gần đây ở ACB - mà nếu không được xử lý minh bạch, rốt ráo, hẳn sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của ACB với khách hàng.

Diễn tiến vụ việc

Ngày 22/10/2005, bà Nguyễn Thị Bé Ba - là chủ tiệm vàng Kim Mai, tại số 214A đường Hậu Giang, phường 9, quận 6, TP HCM, cùng người em là bà Nguyễn Thị Bé Bảy và anh Trần Văn Tài, nhân viên tiệm vàng, đến trụ sở ACB trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 để làm thủ tục xin vay 700 lượng vàng SJC. Người đứng tên trong hợp đồng vay, thế chấp tài sản là anh Trần Văn Tài.

Để đảm bảo khoản vay, tiệm vàng Kim Mai đã thế chấp cho ACB 35 nghìn euro, 8 triệu đồng yên Nhật Bản và 2 nghìn đồng bảng Anh. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Bé Bảy kể lại: “Toàn bộ số tiền này là của chị em tôi, tôi chỉ nhờ Tài đứng tên hộ trên giấy tờ. Số ngoại tệ ấy, chúng tôi đã đếm rất kỹ ở nhà. Sau đó, Tài chở tôi, tôi ngồi sau ôm giỏ tiền. Vào ACB, khi Tài làm xong thủ tục, tôi trực tiếp giao tiền cho một nhân viên của ACB là cô Nguyễn Thị Ngọc Hồng”.

Ai từng gửi tài sản vào ngân hàng, hẳn sẽ hiểu rõ quy trình kiểm đếm rất nghiêm ngặt. Nếu tài sản là vàng, ngân hàng sẽ kiểm tra trọng lượng, tuổi vàng, còn nếu tài sản là ngoại tệ, nhân viên ngân hàng sau khi đếm bằng tay, phân loại các mệnh giá của đồng bạc, thì còn cho vào máy soi tiền giả, máy đếm.

Trao đổi với PV ngày 14/9/2006, ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Thẩm định tài sản của ACB cũng khẳng định quy trình này là đúng, nhưng tùy theo từng loại tiền. Có những loại chỉ đếm bằng máy mà không cần đếm bằng tay. Nhưng dù bằng máy hay bằng tay, vẫn phải đảm bảo sự trùng khớp giữa số tiền của khách hàng gửi, với số tiền được nhân viên ngân hàng kiểm đếm.

Sau khi kiểm đếm xong, và xác định số ngoại tệ đúng là 35 nghìn euro, 8 triệu đồng yên Nhật Bản và 2 nghìn đồng bảng Anh, nhân viên ngân hàng cho tất cả vào bao bì, dán kín, niêm phong rồi kêu anh Tài ký ngoài bao bì. Tiếp theo, ACB làm “Biên bản kiểm định và biên nhận tài sản” (nội dung xác định số tài sản thế chấp gồm 35 nghìn euro, 8 triệu yên Nhật Bản, 2 nghìn bảng Anh, ACB đã nhận đủ số tài sản này), cùng “Giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm, số dư tài khoản, ngoại tệ mặt, vàng” (nội dung ACB cho anh Tài vay 700 lượng vàng SJC, tài sản mà anh Tài thế chấp gồm 35 nghìn euro, 8 triệu yên Nhật Bản và 2 nghìn bảng Anh). Cả 2 loại giấy tờ này, cũng do chính anh Trần Văn Tài ký.

Ngày 26/10/2005, anh Tài và bà Bé Bảy đến ACB. Tại đây, theo yêu cầu của bà Bé Bảy, anh rút ra 35 nghìn euro - là một phần tài sản thế chấp để vay 700 lượng vàng lúc trước - nhưng thế vào đó một sổ tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng. Tới ngày 21/1/2006, anh Tài lại cùng bà Bé Bảy đến ACB để thanh lý hợp đồng cũ, và làm lại hợp đồng vay mới. Trong hợp đồng này, anh Trần Văn Tài vay 100 lượng vàng SJC, tài sản thế chấp là 8 triệu yên Nhật cùng 2 nghìn bảng Anh.

5 ngày sau, cũng tại ACB, khoản vay được chuyển từ Trần Văn Tài sang cho bà Nguyễn Thị Bé Bảy sau khi anh Tài đã thanh lý hợp đồng cũ, và bà Bé Bảy ký hợp đồng mới, vay 1,1 tỉ đồng. Tài sản thế chấp vẫn chính là số ngoại tệ 8 triệu yên Nhật cùng 2 nghìn bảng Anh trước đó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các ngân hàng đều có một nguyên tắc là nếu khoản vay chuyển từ người này sang người khác, mà tài sản thế chấp vẫn chính là số vàng, tiền mà người vay đầu tiên giao cho ngân hàng, thì người vay sau sẽ buộc phải ký tên xác nhận vào gói tài sản ấy nhằm tránh những khiếu nại.

Tuy nhiên, khi ACB chuyển khoản vay từ Trần Văn Tài sang bà Bé Bảy, theo lời bà thì: “Cô Hồng -  nhân viên ACB không đưa gói tiền cho tôi ký, chỉ đưa cho tôi một mảnh giấy, có ghi ngày tháng, số tiền 8 triệu yên Nhật, 2 nghìn bảng Anh, bảo tôi ký vào. Tôi không rành thủ tục lắm nên tôi ký vì tôi tin rằng, trước đây đưa vào như thế nào, thì bây giờ nó vẫn còn nguyên như thế”. Giải thích về chuyện ấy, ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Thẩm định tài sản ACB nói: “Do... sai sót của cô Hồng!”.

Từ đó cho tới ngày 22/5/2006, bà Nguyễn Thị Bé Bảy còn có 4 lần giao dịch với ACB, chủ yếu là đến ngày đáo hạn, bà lên đóng tiền lãi, rồi ký hợp đồng vay tiếp (trong đó có một lần, bà nộp bổ sung 5 nghìn đôla Canada). Tất cả những lần này vẫn chỉ là giao dịch trên giấy tờ, chứ chẳng ai đưa gói tiền ra cho bà ký. Đến ngày 22/5/2006, bà Bé Bảy nộp cho ACB 12 nghìn đồng bảng Anh để thay thế 5 nghìn đôla Canada, rồi nâng khoản vay lên 1,2 tỉ đồng.

Và tất cả là do… nhầm lẫn

Ngày 29/5/2006, bà Nguyễn Thị Bé Bảy đến ACB để thanh lý khoản vay. Vào thời điểm ấy, 8 triệu yên Nhật cùng 12 nghìn bảng Anh có giá trị tương đương 1 tỉ 483 triệu đồng. Và vì bà vay của ACB 1,2 tỉ đồng, nên ACB có trách nhiệm trả lại cho bà 283 triệu đồng (chưa trừ lãi).

Theo lời bà, thì sau khi hoàn tất các thủ tục, bà Bé Bảy ngồi ở bàn làm việc của bà Đặng Thu Hà, Giám đốc Phòng Ngân quỹ ACB, còn bàn bên kia, nhân viên Nguyễn Thị Ngọc Hồng tự ý xé niêm phong gói tiền, rồi la lên là mất (trong lúc biên bản do ACB lập sau đó, thì ghi rằng “các bên cùng mở niêm phong gói tiền đựng 8 triệu yên Nhật, 12 nghìn bảng Anh như ghi ở bên ngoài, thì nhận thấy chữ ký niêm phong của các bên còn nguyên, số tiền 12 nghìn bảng Anh còn đầy đủ, 80 tờ yên Nhật, mệnh giá mỗi tờ 10 nghìn. Khi đó cô Hồng nói 80 tờ yên Nhật có giá trị là 8 triệu, còn chị Hà nói 8 tờ yên Nhật chỉ có giá trị là 800 nghìn”).

Đến đây, sự việc trở nên rắc rối, không bên nào chịu bên nào. Về phía bà Nguyễn Thị Bé Bảy, bà đưa ra “Biên bản kiểm định và biên nhận tài sản” do ACB lập, trong đó ghi rõ Sở Giao dịch, Phòng Ngân quỹ ACB kiểm định và nhận của bà Bé Bảy 8 triệu yên... cùng “Giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm, số dư tài khoản, ngoại tệ mặt, vàng”, với khoản vay là 1,2 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 8 triệu yên cùng 12 nghìn bảng Anh.

Bà Bé Bảy khẳng định: “Nếu không kiểm đếm chắc chắn, thì sao ACB lại ký xác nhận vào những giấy này”. Còn phía ACB cho rằng đã có sự... nhầm lẫn (!?). Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Thẩm định tài sản ACB nói: “Ngân hàng thừa nhận là đã có sự nhầm lẫn, và giả thuyết nêu ra, là có thể nhầm lẫn do phép nhân 80 tờ giấy bạc mệnh giá 10 nghìn yên thành... 8 triệu (?!). Hoặc do ngày nào cũng tiếp xúc với việc kiểm, đếm, nên nhân viên đã sai sót”.

Sự việc bị đẩy lên cao độ khi bà Bé Bảy cùng một người bạn thân, đến ACB vào ngày 30/5. Tại đây, do bức xúc với cách giải quyết của ACB, người bạn bà Bé Bảy đã la lối lớn tiếng. Lập tức, ACB mời Công an phường đến với lý do “gây rối trật tự”, đồng thời ACB còn gửi hồ sơ và công văn cho cơ quan chức năng, đề nghị “xem xét (bà Bé Bảy) nếu có hành vi vi phạm pháp luật, thì xử lý theo quy định”.--PageBreak--

Trước những chuyện khó hiểu như vậy, bà Nguyễn Thị Bé Bảy một mặt làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận 3, mặt khác gửi đơn khiếu nại đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP HCM. Ngày 7/8/2006, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM là ông Trần Ngọc Minh có công văn trả lời cho bà Bé Bảy, trong đó nói rõ vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của ACB. Đặc biệt hơn, cũng trong công văn do ông Minh ký, có một chi tiết rất đáng lưu ý, đó là: “Bà Nguyễn Thị Ngọc Hồng cũng đã nộp số tiền chênh lệch 7,2 triệu yên cho công ty (tức ACB) để khắc phục hậu quả”.

Về việc ấy, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB giải thích với phóng viên ANTG như sau: “Khi chuyện xảy ra, trong khi chờ đợi phán quyết của cơ quan chức năng, chúng tôi đề nghị với cô Hồng là nên có sự thế chấp, để sau này nếu cơ quan chức năng phán quyết, là ACB sai, thì cũng có cái mà đền nên cô Hồng đã tự nguyện nộp cho ACB một số tiền Việt Nam, tương đương 7,2 triệu yên”.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP HCM, lúc tiếp xúc với chúng tôi, đã phát biểu: “Ở đây, tôi hoàn toàn không đề cập đến vụ việc xảy ra tại ACB mà tôi chỉ nói về nguyên tắc chung. Đó là, sau khi khách hàng đưa tài sản thế chấp vào, và sau khi nhân viên ngân hàng đã kiểm đếm, đã hoàn tất biên bản thẩm định, hoàn tất hợp đồng thế chấp, vay mượn, thì ngân hàng phải có trách nhiệm về số tài sản này.

Thí dụ sau đó ngân hàng phát hiện tiền đã niêm phong có nhầm lẫn trong khâu đo đếm, thì việc xử lý nhân viên, hoặc đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ ngọn ngành là việc nội bộ, trước mắt không liên quan gì đến người gửi. Đáo hạn, ngân hàng phải giải quyết cho khách sau khi đã cân đối giữa tiền thế chấp và tiền vay chứ không thể nói là vì lý do này, lý do nọ, nên phải chờ cơ quan chức năng xem xét”.

Sau khi gửi hồ sơ và công văn cho cơ quan chức năng, rồi được trả lời rằng “không xử lý hình sự đối với ông Trần Văn Tài và bà Nguyễn Thị Bé Bảy”, ngày 29/8/2006, ACB có thư trả lời cho bà Bé Bảy, trong đó khẳng định việc cơ quan chức năng không xử lý hình sự thì không có nghĩa là chấm dứt việc trả nợ của bà (theo cách tính của ACB, thì thay vì ACB phải thanh toán cho bà Bé Bảy 283 triệu đồng (chưa tính lãi), nhưng do 8 triệu yên chỉ còn là 800 nghìn yên, nên bà Bé Bảy phải trả thêm cho ACB gần 1 tỉ đồng). Mặt khác, ACB cũng gửi đơn khởi kiện bà Bé Bảy lên tòa án. Như thế, cả hai vừa là nguyên đơn, vừa là bị đơn!

Tiếp xúc với chúng tôi, mặc dù ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Thẩm định tài sản của ACB đã cho rằng “ngân hàng có sự nhầm lẫn do phép nhân sai, hoặc do cô Hồng ngày nào cũng đếm tiền nên nhầm”, nhưng rồi ông lại nói: “Tôi đã được đọc biên bản làm việc của cơ quan chức năng với anh Tài. Trong đó anh Tài thừa nhận là số tiền gửi chỉ có 800 nghìn yên”. Vậy thì với hai phát biểu ấy, ai là người... nhầm”?

Tuy nhiên, nếu căn cứ theo lời trình bày của bà Bé Bảy, thì tiền do chính tay chị em bà kiểm đếm. Cũng chính bà ngồi sau xe, ôm giỏ tiền và tự tay bà đưa cho nhân viên ACB Nguyễn Thị Ngọc Hồng. Trong suốt quá trình này, anh Tài không hề đụng đến một đồng bạc nào, sao anh lại biết chỉ có 800 nghìn yên? Nếu quả thật anh Tài biết chỉ có 800 nghìn yên - mà thời điểm ấy 1 yên ăn 140 đồng Việt Nam, cộng với 35 nghìn euro và 2 nghìn bảng Anh, thì anh Tài cũng thừa hiểu làm sao đủ để thế chấp, vay 700 lượng vàng.

Giả sử vụ việc do bà Bé Bảy đạo diễn, nhưng liệu anh Tài có bản lĩnh để khai gian dối từ 800 nghìn yên lên 8 triệu hay không khi mà quy trình kiểm đếm của ngân hàng rất chặt chẽ? Hơn nữa, tiền yên là loại tiền làm bằng giấy cotton - chứ không phải bằng polymer, nên một nhân viên kiểm, đếm, đã có kinh nghiệm qua 8 năm làm việc như cô Nguyễn Thị Ngọc Hồng, hẳn không thể không nhận ra xấp bạc 800 nghìn yên (80 tờ) chỉ có độ dày bằng 1/10 của 8 triệu yên (800 tờ), chưa kể tất cả những tờ giấy bạc này, đều cùng một kích thước, màu sắc và mệnh giá mỗi tờ là 10 nghìn yên, đếm bằng tay nếu có nhầm, thì vẫn còn phải qua khâu soi, đếm bằng máy

Vũ Cao
.
.
.