Khắc phục lỗ hổng trong quản lý hóa đơn GTGT

Thứ Hai, 18/12/2017, 09:12
Không chỉ thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) mà các đối tượng đã chuyển sang thủ đoạn mới - mua lại những doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản để thực hiện hành vi phạm tội.

Vậy “lỗ hổng” nào để các đối tượng có thể phạm tội một cách dễ dàng và liều lĩnh như hiện nay. Đây là tội phạm nghiêm trọng, gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước, nhưng chế tài xử lý còn quá nhẹ, không đủ sức để răn đe.

Vụ án Nguyễn Thị Đào (35 tuổi, trú tại xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) cầm đầu vừa bị cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Công an TP Hà Nội khởi tố cùng 5 bị can đã cho thấy tội phạm mua bán hóa đơn GTGT ngày một tinh vi. 

Nếu như trước đây, đối tượng thành lập công ty “ma” để hoạt động mua bán hóa đơn GTGT trái phép thì ở vụ án này, chúng mua lại 17 công ty hoạt động không còn hiệu quả với mục đích bán trái phép hóa đơn GTGT nhằm thu lời bất chính.

Bước đầu, cơ quan ANĐT đã xác định nhóm đối tượng xuất khống qua 17 công ty 3.500 số hóa đơn với doanh số trước thuế là 590 tỷ đồng. Đây là một trong những vụ án mua bán trái phép hóa đơn GTGT lớn trong năm 2017 mà Công an Hà Nội khám phá. 

Theo Thượng tá Đàm Văn Khanh, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra thì từ tháng 7-2016 đến nay, cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 5 vụ mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trong đó có 3 chuyên án lớn, mỗi vụ khởi tố trên 10 bị can.

Ở vụ án Nguyễn Thị Đào, để tránh sự phát hiện của cơ quan thuế, hằng tháng, quý, các công ty mà các đối tượng sử dụng bán hóa đơn phải làm và nộp đầy đủ báo cáo thuế thể hiện công ty có doanh thu đầu vào, đầu ra như doanh nghiệp kinh doanh thật. Nếu công ty nào có dấu hiệu bị phát hiện thì chúng ngừng xuất bán hóa đơn của công ty đó.

Ngoài 17 công ty trên, khi khám nhà Nguyễn Thị Đào (32 tuổi, trú tại phường Thành Lương) còn thu được chứng từ liên quan đến việc chuyển nhượng doanh nghiệp của 46 công ty có dấu hiệu được sử dụng nhằm mục đích mua bán hóa đơn trái phép.

Hóa đơn và con dấu mà Nguyễn Thị Đào cùng đồng bọn dùng để mua bán hóa đơn trái phép.

Theo Thiếu tá Phạm Thị Thùy Dương, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) thì trong năm 2016, đơn vị đã phát hiện nhiều ổ nhóm lợi dụng kẽ hở trong việc cấp phép và kê khai thuế để phạm tội, chuyển cơ quan An ninh điều tra khới tố vụ án. 

Do làm tốt công tác nắm tình hình, năm 2017 đơn vị đã phát hiện ổ nhóm mới và chuyển cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hiện nay, đơn vị đang tập trung đấu tranh mạnh vào một số ổ nhóm mua bán hóa đớn lớn. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày một tinh vi, liên tục thay đổi trụ sở và thay đổi người đại diện pháp luật. 

Vậy lỗ hổng nào để tội phạm mua bán trái phép hóa đơn GTGT dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội như vậy?

Trước tiên phải nói tới quy trình cấp phép đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng doanh nghiệp. Khi thay đổi trụ sở, thay đổi người đại diện hay người chủ sở hữu thì phải đăng ký kinh doanh lại, nhưng công tác hậu kiểm sơ sài dẫn đến việc thay đổi cơ quan chức năng không hay biết.

Hiện nay, quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ cần chứng minh nhân dân (CMND) bản sao, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, quyết định bổ nhiệm giám đốc của Hội đồng quản trị và Hội đồng thành viên. Nhưng công tác thẩm định sơ sài dẫn tới không kiểm tra được có con người đó hay không, có đúng là giám đốc được bổ nhiệm hay không, không kiểm tra được con người đó còn sống hay đã chết, có đủ năng lực hành vi dân sự hay không?

Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét trên hồ sơ, từ lỗ hổng đó các đối tượng mua lại các công ty đã thành lập nhưng hoạt động thiếu hiệu quả, rồi làm thủ tục cho một người bất kỳ đứng tên làm giám đốc mà các đối tượng này chỉ đứng sau điều hành. Khi bị phát hiện không tìm được người đứng sau điều hành (lấy tên, CMND của người khác).

Nguyễn Thị Đào 

Theo Đại úy Vũ Văn Định, Đội xét hỏi 1, Phòng An ninh điều tra thì khâu thẩm định chuyển nhượng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Các đối tượng mượn CMND đưa đi thẩm định hồ sơ chuyển nhượng. CMND cũ nát, phôtô đè lên, dẫn đến cơ quan điều tra không tìm ra người. Vì vậy, khi làm thủ tục chuyển nhượng doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải thẩm định người được chuyển nhượng xem có đúng là con người đó không, CMND cũ nát phải yêu cầu làm lại.

Lỗ hổng lớn nữa là công tác hậu kiểm còn quá sơ sài, để các đối tượng hoạt động phạm tội một thời gian dài mà không hay biết. Ngay từ khi doanh nghiệp thành lập, cơ quan Thuế phải kiểm tra trụ sở, văn phòng, kho bãi, người đại diện trước pháp luật, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp và nhân viên. 

Trong quá trình hoạt động, các đối tượng phải kê khống đầu ra, đầu vào, nhiều khi có doanh thu đột biến nhưng chưa kịp thời phát hiện. Ví dụ như kinh doanh nhà hàng nghìn tỷ phải kiểm tra xem doanh nghiệp đó có nhà hàng không; hoặc kinh doanh vật liệu xây dựng thì cơ quan Thuế phải kiểm tra xem doanh nghiệp đó có kho bãi hay không… 

Đặc biệt, đối tượng đăng ký mở tài khoản, đăng ký phát hành sec nhưng dùng tên khác để đăng ký chứ không phải là giám đốc doanh nghiệp đăng ký. 

Khi chuyển tiền qua ngân hàng, rút sec, đối tượng lấy CMND của người khác lập tài khoản. Các đối tượng bán hóa đơn không trực tiếp đứng tên điều hành, trong quá trình giao dịch thường lấy tên giả, giao dịch chủ yếu qua Viber, Zalo, giao dịch chuyển ảnh, thông tin nên khi kiểm tra, cơ quan Công an không biết là ai. 

Mua bán hóa đơn trái phép qua rất nhiều đầu mối trung gian khác nhau, gây khó khăn cho công tác xác định và điều tra làm rõ các đối tượng trong đường dây.

Theo Đại úy Vũ Văn Bính, để ngăn ngừa tội phạm mua bán trái phép hóa đơn GTGT, cơ quan Thuế, đơn vị cấp phép cần sớm ngăn chặn các lỗ hổng nêu trên. Theo Thiếu tá Phạm Thị Thùy Dương thì các đơn vị cần thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhất là công tác hậu kiểm, đồng thời kiến nghị những sơ hở trong hành lang pháp lý để siết chặt hơn, tránh cho các đối tượng lợi dụng thành lập các đường dây mua bán hóa đơn trái phép.             

* Thượng tá Đàm Văn Khanh, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra (Công an TP Hà Nội): Mua bán trái phép hóa đơn GTGT là tội phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước nhưng mức phạt tối đa là 7 năm tù, chưa đủ sức răn đe. Đối với các đơn vị mua và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận thuế hiện nay chỉ xử phạt (từ 1 đến 3 lần số tiền thuế gia lận) và truy thu cũng chưa đủ sức răn đe. Khi phát hiện đầu mua có dấu hiệu bị phát hiện, doanh nghiệp thường kê khai giảm trừ để tránh bị xử phạt của cơ quan Thuế.

* Ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội: Để giải quyết căn cơ hành vi vi phạm này, cơ quan Thuế triển khai mạnh mẽ việc sử dụng hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan Thuế. Mọi giao dịch được kiểm soát kịp thời, đầy đủ khi các hóa đơn chứng từ đi qua trung tâm dữ liệu của cơ quan Thuế, giúp cho cơ quan Thuế và các cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời có cơ sở dữ liệu phân tích đánh giá những rủi ro có xảy ra trong quá trình giao dịch, từ đó xây dựng phương án xử lý hành vi vi phạm có thể xảy ra.

Thượng tá Đàm Văn Khanh, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra (Công an TP Hà Nội) và ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội trả lời báo chí 

Trần Hằng
.
.
.