Khắc phục hạn chế để trái vải đứng vững trên thị trường

Thứ Năm, 11/06/2015, 10:45
Ngày 10/6, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra buổi kết nối tiêu thụ vải thiều giữa TP Hồ Chí Minh với hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, hai địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn trên cả nước.
Vải thiều vào mùa thu hoạch từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7. Những năm qua, thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ vải thiều của hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, nhất là thị trường các tỉnh phía Nam.

Cụ thể, năm 2014, vải tươi ở Bắc Giang tiêu thụ nội địa hơn 90 ngàn tấn (chiếm 48% tổng sản lượng), trong đó thị trường phía Nam tiêu thụ gần 60 ngàn tấn (chiếm 65% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa). Vải thiều Hải Dương tiêu thụ nội địa chiếm 50 - 60%, cũng tập trung chủ yếu ở phía Nam.

Với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc được xem là thị trường truyền thống của vải thiều Hải Dương và Bắc Giang (Hải Dương xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 20% tổng sản lượng toàn tỉnh). Ngoài ra, còn xuất sang một số nước khác như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước thuộc khu vực Trung Đông...

Vải thiều bán tại siêu thị.

Ông Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết,  nhiều năm qua tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có trái vải thiều. Kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều vừa qua cho thấy,  nếu được sự quan tâm, chỉ đạo tích cực từ Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, DN, nông dân... thì sẽ đạt được kết quả như mong đợi.

Năm 2014, là năm rất khó khăn trong việc tiêu thụ vải thiều. Trước đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vải thiều lớn, nhưng năm 2014 do tình hình căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, nên xuất khẩu sang thị trường này không lớn.

Tuy nhiên, kể từ sau Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều khu Đông, Tây Nam Bộ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 16/6/2014, nhằm giúp nông dân tiêu thụ trái vải trong bối cảnh xuất khẩu còn khó khăn, kết quả là sản lượng tiêu thụ năm 2014 vẫn đạt cao nhất so với trước đây và giá bán khá tốt. Giá cao nhất 38.000đ/kg, thấp nhất 16.000đ/kg. Rút kinh nghiệm từ năm 2014, năm 2015 sẽ làm tốt hơn.

Theo đánh giá của đại diện tỉnh Bắc Giang, trong năm 2015 tỉnh vẫn xác định nội địa vẫn là thị trường quan trọng, dự báo khả năng tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 60%, chủ yếu quả tươi. Xuất khẩu 40%, tập trung khai thác, xâm nhập các thị trường mới như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Năm nay, tỉnh mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 12.200 ha, sản lượng dự kiến gần 80 ngàn tấn. Đồng thời cũng đã triển khai khoảng 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap với  sản lượng khoảng gần 1.000 tấn, mục đích là để phục vụ xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Doãn Quang – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng cho biết, trong năm 2015 toàn tỉnh xây dựng được 25 mô hình sản xuất vải theo VietGap được chứng nhận với diện tích 230ha, sản lượng đạt trên 1.500 tấn. Ngoài ra, còn có hơn 4.000ha vải sản xuất an toàn theo hướng VietgGap, được kiểm tra, đánh giá vùng sản xuất và cấp 2 mã số vùng trồng vải XK đi Mỹ với diện tích khoảng gần 20ha.

Tỉnh cũng chú trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế thông qua việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để thâm canh. Duy trì và mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap phấn đấu đến 2020 Hải Dương có 50% diện tích sản xuất theo quy trình an toàn. 20-30% theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.

Ông Lê Văn Tiễn – Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết: Trong năm 2014, chợ Môn Hóc tiêu thụ gần 6 ngàn tấn vải thiều và năm 2015 mở rộng thêm mặt bằng, dự kiến tiêu thụ 8-10 ngàn tấn. Vấn đề đáng quan tâm là hiện nay trên thùng hàng có thùng thì có thể hiện xuất xứ, có thùng thì không...

Đại diên Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho rằng, hàng đưa về chợ này cũng chưa được chú trọng đến xuất xứ hàng hóa và việc bảo quản sau thu hoạch. Hiện nay, hàng được đóng vào thùng nhựa, thùng gỗ (chi phí giảm hơn thùng xốp) nhưng chỉ bảo quản được 1 ngày...

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, UBND TP cũng đã chỉ đạo đưa trái vải thiều đến với hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối và các tỉnh, đạt kết quả rất khả quan. Năm 2014, khu vực phía Nam tiêu thụ hơn 60 ngàn tấn (tăng gấp 2 lần so với năm 2013), chiếm 50% tiêu thụ nội địa. Dự kiến 2015, sẽ tiêu thụ 80 ngàn tấn.

Bà Hồng kiến nghị, phải áp dụng kỹ thuật công nghệ để kéo dài thời gian bảo quản trái vải, không sử dụng hóa chất. Hiện nay, phần lớn trái vải tiêu thụ là trái vải tươi, vậy có thể  chế biến trái vải thành nhiều loại khác như sấy khô, đóng hộp... sẽ nhẹ nhàng hơn trong việc giải quyết trái vải khi tới mùa. Và điều quan trọng là phải xây dựng được chuỗi xây dựng cung ứng vải thiều.

Thúy Hà
.
.
.