Hy vọng cho du lịch đường biển ở Quảng Ninh

Thứ Ba, 06/02/2007, 09:55

Từ đầu năm 2006, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách du lịch đối với người dân bản địa. Nắm bắt cơ hội này, ngành Du lịch Quảng Ninh đã chủ động đàm phán với các đối tác để khai thông các tuyến du lịch bằng đường biển từ Bắc Hải, Hải Nam (Trung Quốc) đến Hạ Long.

Không phải bây giờ ý tưởng khai thác du lịch bằng đường biển mới được hình thành. Từ nhiều năm qua, bờ biển Quảng Ninh đã từng đón những con tàu du lịch nhiều "sao" với hàng vạn du khách đến từ các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Mỗi một lần như vậy xứng đáng như một sự kiện ấn tượng mãi đối với ngành Du lịch cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng bởi tính trang trọng, văn hoá và mang lại một nguồn lợi nhiều mặt.

Đi từ biển gần

Sau ít năm thông thương các cánh cửa biên giới đường bộ với người láng giềng Trung Quốc, ngoài du lịch bằng đường bộ qua cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái) còn có du lịch bằng đường biển phục vụ du khách từ các tỉnh sâu trong nội địa nước bạn đến với TP Hạ Long rồi từ đây lan tỏa về các tỉnh, thành lân cận. Vào thời điểm đó, hầu hết các khách sạn, cơ sở dịch vụ du lịch tại các tỉnh vùng duyên hải phía Bắc đều quá tải do lượng du khách khá lớn.

Giá trị kinh tế do ngành Du lịch đóng góp vào cơ cấu GDP chiếm một tỷ trọng đáng nể. Tiếc thay, chưa kịp đầu tư dịch vụ đối lưu thì chính sách của bạn thay đổi, lượng khách giảm sút bất ngờ và ý tưởng đi từ biển gần rồi tiến đến những bến bờ xa đành gác lại.

Nhưng đến đầu năm 2006, phía bạn đã nới lỏng chính sách du lịch đối với người dân bản địa. Nắm bắt cơ hội này, ngành Du lịch Quảng Ninh đã chủ động đàm phán với các đối tác để khai thông các tuyến du lịch bằng đường biển từ Bắc Hải, Hải Nam (Trung Quốc) đến Hạ Long.

Tính đến thời điểm hiện nay có 3 con tàu chạy trên 2 tuyến đường biển này. Vào thời điểm những tháng đầu hoạt động, số lượng khách chưa nhiều, chỉ từ 3.000 - 4.000 khách/tháng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn số lượng khách đã tăng lên rất nhanh. Đến cuối tháng 11/2006 đạt trên 20.000 khách/tháng. Tính đến ngày 17/1/2007, đã có 107.797 lượt khách đến với Quảng Ninh từ tàu biển.

Với mức chi tiêu ước giản đối với du khách từ Trung Quốc đến Hạ Long bằng đường biển đã là 1.000 NDT/người (khoảng 2.000.000đ tiền Việt) thì nguồn thu không phải là nhỏ.

Mơ đến những bến bờ xa

Theo Sở Du lịch địa phương, Quảng Ninh có nhiều lợi thế về cảng biển, vận tải biển nhưng chưa được khai thác đúng mức. Trước đây, giữa 2 bên cơ quan quản lý Nhà nước của ta và Trung Quốc chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, chỉ nhằm vào lợi nhuận khiến hình ảnh của du lịch bên phía ta bị bóp méo.

Trong quá trình đàm phán với bạn, Sở Du lịch Quảng Ninh đã cam kết khắc phục tình trạng khai thác bừa bãi, đổi mới cung cách quản lý và tăng cường quan hệ hợp tác với bạn nhằm đưa tiêu chí chất lượng dịch vụ lên hàng đầu...

Từ đó, mọi việc trở nên nền nếp, đối tác du lịch từ Trung Quốc rất hài lòng. Đồng thời cho rằng đây là một cách làm hay, cả hai bên cần duy trì lâu dài, gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhau để đảm bảo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tuyến du lịch đường biển này.

Từ bước đi ban đầu này, Quảng Ninh cũng như Trung Quốc đều cho rằng, đây là cầu nối để cả hai tiếp tục thâm nhập, khai thác tại thị trường Đông Nam Á tới Hạ Long có tính bền vững rất cao.

Không chịu ngồi đợi khách, ngành Du lịch thủy Quảng Ninh đã chủ động đầu tư vươn ra thị trường nước ngoài để khai thác và đưa đón khách. Được biết, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang gấp rút hoàn thiện những phần việc cuối cùng để đưa tàu du lịch cao tốc hạng sang đầu tiên của nước ta có tên Vinashin Rose vào hoạt động ngay trước Tết Đinh Hợi. Bước đầu Vinashin Rose sẽ đưa đón khách du lịch tuyển biển Hạ Long - Phòng Thành (Quảng Tây - Trung Quốc)

Lê Minh Triết
.
.
.