Huyện Tân Thạnh, Long An: Cò tín dụng hoành hành

Thứ Ba, 10/05/2005, 08:25
Do các nhóm “cò” đã móc nối với cán bộ ngân hàng nên nếu hồ sơ nào không thông qua "cò" thì bị cán bộ tín dụng trong đường dây ách lại.

Cuối tháng 8 năm ngoái, bức xúc trước nạn "cò" tín dụng hoành hành, Ban Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, chi nhánh Đồng Tháp Mười, trụ sở tại thị trấn Mộc Hóa gửi văn bản đề nghị các cơ quan pháp luật địa phương theo dõi và ngăn chặn việc này.

Sau đó, Công an huyện Tân Thạnh phát hiện có hai nhóm "cò" tín dụng hoạt động trên địa bàn, chuyên "bóp cổ" người cần vay vốn sản xuất từ 5% trở lên.

Nhóm thứ nhất do Nguyễn Văn Đây, ngụ tại ấp Đông, xã Tân Hòa và Nguyễn Văn Tước, ngụ tại ấp Bắc Đông, xã Kiến Bình cầm đầu. Nhóm này có mối quan hệ mật thiết với một số cán bộ tín dụng ngân hàng, trong đó sâu đậm nhất là Hoàng Minh Khôi. Chị Phạm Thị Nga, ngụ tại ấp Bắc Đông cho biết, vay 65 triệu đồng phải nộp cho "cò" 3,25 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Đạt nhờ "cò" môi giới vay 80 triệu phải trích lại 5% cho chúng.

Cách đây không lâu, Ban Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Long An) đã bị xử lý kỷ luật vì để "cò" móc nối với cán bộ tín dụng "bóp cổ" người vay vốn.

Nhóm thứ hai do Nguyễn Hoàng Liệt, ngụ tại khu vực 1, thị trấn Tân Thạnh và Trần Thanh Sang, ngụ tại ấp Hải Hưng, xã Tân Hòa cầm đầu. Nhóm này cũng có quan hệ mật thiết với Hoàng Minh Khôi, cũng ăn chặn của người vay 5% trên số tiền vay tại ngân hàng.

Sau khi bị phát hiện, Sang thừa nhận hoạt động "cò" trên lĩnh vực vay vốn ngân hàng từ năm 2003. Sang không thể nhớ nổi là đã ăn chặn bao nhiêu trường hợp, chỉ nhớ chính xác 24 vụ trong thời gian gần đây. Như vụ Trần Thị Sỹ vay 80 triệu, y “ngắt” 4 triệu chia cho cán bộ tín dụng Khôi 1 triệu đồng, phần còn lại chia đều trong nhóm.

Ngoài hai nhóm này, trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An vẫn còn nhiều nhóm "cò" tín dụng hoạt động chưa bị cơ quan chức năng phát hiện. Theo ông Lê Văn Mình, ở huyện Tân Thạnh, việc vay vốn ở một số ngân hàng không thể trôi chảy nếu không có bàn tay giúp sức của "cò".

Theo ông, lúc này "cò" không đòi tiền đặt cọc như trước, việc "chung chi" diễn ra ngay sau khi người vay nhận tiền. Hoa hồng cho "cò" lúc thì 5%, lúc thì xuống 4 hoặc 3% tùy theo thỏa thuận của hai phía.

Vụ việc đã được làm rõ cách đây 3 tháng, nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý. Riêng trường hợp ông Hoàng Minh Khôi dù đã khai nhận sự dính líu đến hai nhóm "cò" nhưng vẫn bình an vô sự

Nhã Phong
.
.
.