Hướng đi nào trong việc phát triển đô thị tại Quảng Nam?

Thứ Ba, 26/11/2019, 10:54
Quảng Nam cần có một chiến lược đô thị hóa hiệu quả mang đặc thù riêng biệt của tỉnh nhằm khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong thời gian tới.


Sáng 26-11, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Quy hoạch phát triển các đô thị ven sông, ven biển và quản lý môi trường các đô thị - khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam”.

Ông Huỳnh Khánh Toàn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau hơn 20 năm chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đến nay Quảng Nam đã có bước phát triển ngoạn mục, trở thành địa phương có mức thu ngân sách khoảng 1 tỷ USD, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng và là địa phương nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương.

Quảng Nam là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên hình thành vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg với mục tiêu tạo khả năng đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nâng cao mức sống của toàn dân và nhanh chóng đạt được sự công bằng xã hội.

Đông đảo các nhà quản lý đô thị, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Hội thảo là này là cơ hội giúp tỉnh Quảng Nam tiềm kiếm các giải pháp để nâng cao chất lượng đô thị, xây dựng chương trình phát triển đô thị, kết nối đô thị với đô thị ven sông, ven biển, có bản sắc, theo định hướng phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới đô thị xanh, đô thị thông minh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp về quá trình đô thị hóa tại Quảng Nam, phát triển khu vực nông thôn tăng cường liên kết với đô thị trong quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nâng cao khả năng thu gom xử lý nước thải, …

Đặc biệt, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp giúp Quảng Nam  tận dụng không gian ven biển, phát huy tối đa chiến lược phát triển kinh tế biển; phát triển công nghiệp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng dân cư.

Một góc TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Các vùng kinh tế động lực của tỉnh như Khu kinh tế mở Chu Lai, khu vực Điện Bàn - Hội An, Tam Kỳ,… cần trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước do vị trí địa lý và môi trường đầu tư hấp dẫn. Đồng thời, Quảng Nam cần có một chiến lược đô thị hóa hiệu quả mang đặc thù riêng biệt của tỉnh nhằm khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong thời gian tới.
Ngọc Thi-Phước Châu
.
.
.