Họp phiên thứ 2 bàn về tăng lương tối thiểu vùng: Chưa chốt mức tăng

Thứ Sáu, 27/07/2018, 09:16
Sáng 26- 7, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đại diện người lao động) và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện giới doanh nghiệp) đã thương lượng để thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng 2019. Ở phiên họp này, VCCI đã chấp nhập tăng, tuy nhiên với việc chỉ đề xuất tăng 2%, các bên vẫn chưa thống nhất được mức tăng cụ thể.

VCCI đề xuất chỉ tăng… 2%

Trao đổi nhanh với báo chí ngay trước phiên đàm phán lương tối thiểu vùng 2019 sáng 26- 7, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, có thể phía đại diện doanh nghiệp sẽ phải thay đổi đề xuất không lương tối thiểu năm 2019. Đúng như trao đổi của ông Hoàng Quang Phòng trước khi bước vào thương lượng, VCCI đã đề xuất mức tăng 2%.

Đề xuất này đã thay đổi so với đề xuất tại phiên đàm phán lần đầu tiên ngày 9- 7. Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, mức điều chỉnh này là đảm bảo hài hoà giữa đảm bảo đời sống người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.

Người lao động sẽ bị thiệt nếu không tăng hoặc tăng quá thấp lương tối thiểu vùng 2019.

“Mức điều chỉnh này để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và tạo việc làm ổn định, đồng thời cải thiện chất lượng việc làm, tạo việc làm công ăn lương có Hợp đồng lao động”, ông Phòng nói.

Ông Phòng phân tích, hiện chỉ có khoảng 12 triệu lao động chiếm 24% lao động có hợp đồng lao động có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu và có bảo hiểm xã hội (BHXH) còn lại gần 38 triệu lao động không có hợp đồng lao động, nhiều lao động trong số này chỉ nhận được dưới mức lương tối thiểu và không tham gia BHXH nên những đối tượng này sẽ phải đối mặt với những biến cố về giá cả tăng thêm do tác động của việc tăng lương tối thiểu.

Trên thực tế, việc điều chỉnh đề xuất giữa các bên là điều tất yếu trong đàm phán lương tối thiểu mỗi năm. Vào năm 2017, đàm phán lương tối thiểu 2018 đã phải trải qua 3 phiên đàm phán căng thẳng, một bên đề xuất 13% và một bên đề nghị không tăng, trước khi đạt được phương án thống nhất mức 6,5% một bên đề xuất 13% và một bên đề nghị không tăng

Đề xuất tăng 2% cho thấy VCCI đã thay đổi và chấp nhận phương án tăng lương tối thiểu vùng 2019, trong khi đó tại phiên họp thứ nhất, VCCI đưa ra quan điểm là không tăng. Tuy vậy, mức tăng 2% vẫn còn khoảng cách rất xa so với mức đề xuất của Tổng LĐLĐVN là 8% và bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra mức tăng khoảng 5,3%. Chắc chắn các bên sẽ phải thương lượng tiếp ở phiên họp thứ 3 để các đề xuất có thể xích lại gần nhau hơn.

Mức tăng thấp, người lao động sẽ bị thiệt

Đại diện Tổng LĐLĐVN cho rằng, nếu không tăng lương tối thiểu vùng, hoặc giữ nguyên mức tăng 6,8% như năm 2017 thì tiền lương của người lao động sẽ bị mất giá, có thể sẽ âm tới 4%. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ cho biết, chỉ số CPI dưới 4%. Thêm vào đó tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, năng suất lao động cũng tăng. Có thể thấy tình hình kinh tế sáng sủa nhất từ trước đến nay. Nếu tính 3 chỉ số này thì mức tăng có thể phải lên tới 9%.

Tuy nhiên, người lao động cũng mong muốn được chia sẻ với chủ sử dụng nên đơn vị này chỉ đề nghị mức tăng 8%. Ông Chính cho biết đề xuất tăng lương tối thiểu 8% được tính toán dựa trên những căn cứ rất khoa học, từ điều tra thu nhập, đời sống công nhân, những nghị quyết quốc hội.

“Chúng tôi nghĩ rằng, năm 2017 kinh tế khó khăn, Tổng LĐLĐVN đã có chia sẻ với giới chủ rồi, tốc độ tăng trưởng năm ngoái thấp hơn năm nay, CPI còn cao hơn năm nay nhưng vẫn quyết định tăng lương tối thiểu là 8,6%, không có lý gì năm nay lại không tăng hoặc tăng thấp hơn 8%”, ông Chính phân tích.

Thêm vào đó, theo ông Chính vừa qua Chính phủ cũng đã quyết định tăng lương cơ bản cho đơn vị sự nghiệp và người hưởng lương hưu gần 7%, không có lý gì tiền lương của người công nhân lại thấp hơn cả đơn vị hành chính sự nghiệp. “Nếu giới chủ chỉ muốn tăng lương tối thiểu vùng nhỏ giọt thì không biết ăn nói thế nào với công nhân. Với chỉ số CPI tăng như hiện nay nếu không tăng lương thì tiền lương của người lao động đã bị mất giá, âm 4%. Điều này không phù hợp với kinh tế thị trường”, ông Chính khẳng định.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) thông tin thêm, phiên thứ 2 tập trung thảo luận để các bên xích lại gần nhau. Việc xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là hết sức quan trọng.

Theo ông Quảng, Hội đồng tiền lương quốc gia đang làm rõ mức sống tối thiểu do bộ phận kỹ thuật đề xuất có vấn đề gì không?

“Theo đó, rổ hàng hóa để tính mức sống tối thiểu mà mức sống tối thiểu đều chịu trên nguyên tắc nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu cầu phi lương thực thực phẩm… nguyên tắc tính thì đúng nhưng rổ hàng hóa để tính nhu cầu lương thực thực phẩm theo tính toán của bộ phận kỹ thuật thì có 54 mặt hàng với định lượng để đảm bảo giá trị là 2.300kcal, hiện bộ phận kỹ thuật tính theo giá là 660.000 đồng theo giá năm 2016. Cũng theo con số tính toán của bộ phận kỹ thuật với rổ hàng hóa, định lượng số lượng mặt hàng như vậy nhưng năm 2014 đưa ra giá là 724.000 đồng. Như vậy có sự mâu thuẫn cần giải thích, giá cả thì lên nhưng rổ hàng hóa giảm 7% so với năm 2014. Hội đồng đang làm rõ điều này”, ông Quảng nói.

Cũng theo ông Quảng, hiện tỷ lệ chi phí lương thực chiếm 48%, chi phí phi lương thực, văn hóa, giáo dục… chiếm 52% thì Tổng LĐLĐVN cho rằng đây là chi phí cao bởi khi đời sống càng phát triển thì nhu cầu lương thực càng giảm, chi phí phi lương thực càng ngày càng cao nên đề nghị cần xem xét lại con số này.

Phan Hoạt
.
.
.