Hơn 7.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý mỗi tháng

Thứ Năm, 15/10/2020, 10:16
Theo số liệu tại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn 2016-2020 đã được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%, có chiều hướng giảm liên tục qua các năm.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 là 2,46%; cuối năm 2017: 1,99%; cuối năm 2018: 1,91%; cuối năm 2019: 1,63% và thời điểm 31-5-2020 là 1,86%. Tính từ cuối năm 2018 đến 31-5-2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 361,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 307,96 nghìn tỷ đồng (chiếm 85,26%); Nợ xấu bán cho VAMC là 48,52 nghìn tỷ đồng (chiếm 13,43%); Nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 4,72 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,3%).

Về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 (thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD), lũy kế từ 15-8-2017 đến 31-5-2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy tính ra, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15-8-2017 đến 31-5-2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Theo đánh giá của NHNN trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực từ 15-8-2017 đến 31-5-2020, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 121,4 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Đáng chú ý, theo NHNN, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.

Bên cạnh đó, NHNN cho biết, từ cuối năm 2018 đến 31-5-2020, NHNN đã thực hiện hơn 2.954 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 2.778 cuộc thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa ban hành kết luận trong kỳ trước chuyển sang). Qua công tác thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, tồn tại, sai phạm của các TCTD đã được phát hiện và xử lý. NHNN đã đưa ra trên 13.580 kiến nghị, yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành trên 406 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt khoảng 35 tỷ đồng. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục được quan tâm thực hiện chặt chẽ, sát sao nhằm bảo đảm TCTD thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận về thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, theo đánh giá của NHNN, chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2020, trích lập dự phòng tăng, có thể tác động mạnh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các TCTD trong năm 2020. Một vấn đề khác đáng chú ý đó là nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 tiếp tục tăng lên gần 39%. Nguyên nhân được cho là do cả nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến ngư dân không trả được nợ vay và nguyên nhân chủ quan do chủ tàu chây ỳ cố tình không trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi; phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành, kém hiệu quả và một số nguyên nhân khác.

NHNN đã ban hành các thông tư hướng dẫn và chỉ đạo, đôn đốc NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển và các NHTM đẩy mạnh triển khai thực hiện một số biện pháp tháo gỡ.

Hà An
.
.
.