Hơn 20 ngàn tỷ đồng hàng hóa được ký kết qua chương trình kết nối cung – cầu

Thứ Tư, 23/12/2015, 15:08
Ngày 23-12, tại Hội nghị “Sơ kết chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành 2015” do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức, các doanh nghiệp đã ký kết thành công 273 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng tổng số hợp đồng các doanh nghiệp đã ký kết trong năm 2015 lên 482 hợp đồng.

Chương trình này được TP Hồ Chí Minh và các địa phương thực hiện từ năm 2012. Mục đích là để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm đầu ra cho hàng nông sản, tạo nguồn cung với giá cả ổn định cho thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Qua 4 năm triển khai chương trình, đến nay đã có nhiều địa phương tham gia và giới thiệu hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú. Cụ thể, năm 2012 có 43 hợp đồng được ký kết, năm 2013 có 394 hợp đồng và 2014 có 430 hợp đồng.

Tính đến tháng 11-2015, thông qua chương trình, đã có 965 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết có tổng trị giá trên 20 ngàn tỷ đồng. Trong đó, riêng TP Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh đạt trên 13.500 tỷ đồng và hàng hóa cung ứng cho các tỉnh thành trên 6.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp các tỉnh mang sản phẩm sạch đến TP Hồ Chí Minh giới thiệu tại chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa ngày 23-12.

Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Bên cạnh việc mở rộng số lượng, chủng loại mặt hàng tham gia, mục tiêu của chương trình kết nối cung - cầu năm nay là tập trung ưu tiên hỗ trợ  tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn an toàn như VietGap, GlobalGap... đưa vào kênh phân phối truyền thống và đẩy mạnh quảng bá, truyền thông  sản phẩm đạt chuẩn an toàn, địa điểm phân phối sản phẩm an toàn”.

Ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá: Thông qua chương trình kết nối cung – cầu, hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP Hồ Chí Minh đã tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp có uy tín, các sản phẩm chất lượng, các sản phẩm làng nghề, hàng đặc sản... góp phần thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, trong thuận lợi đó vẫn còn nhiều vướng mắc về công tác giao nhận, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì, giấy tờ cần thiết... nên khó đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối và người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cũng chưa thật sự yên tâm sử dụng sản phẩm. Trong thời gian tới, để khắc phục vấn đề này, một số hệ thống phân phối TP cũng đã có chủ trương, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân chuẩn hóa quy trình sản xuất, nuôi trồng, cải tiến bao bì, xây dựng thương hiệu.

Thúy Hà
.
.
.