Hoa Kỳ thay đổi quy định đối với hàng nhập khẩu

Thứ Hai, 25/09/2006, 13:44

Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ qua thủ tục thông báo trước cho các công ty chế biến nước ngoài về việc kiểm tra việc áp dụng hệ thống HACCP mà chỉ thông báo khi sản phẩm của họ bị từ chối do không đáp ứng tiêu chuẩn HACCP.

Sự thay đổi qui định đối với hàng hóa nhập khẩu của FDA đã khiến hàng trăm container thủy sản xuất khẩu bị giữ lại.

Việc "bị làm khó" này không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả hàng hóa của nhiều công ty xuất khẩu lớn như Thai Union Frozen Foods (Thái Lan) cũng bị "mắc kẹt". Thêm vào đó, nhiều công ty chế biến thủy sản nước ngoài đang chuẩn bị cho đợt thanh tra của FDA về việc áp dụng hệ thống HACCP cũng gặp nhiều khó khăn với qui định mới của FDA.

Qui định mới của FDA cho thấy sự phân biệt đối xử của FDA giữa các nhà chế biến trong nước và nước ngoài. Trước khi định thanh tra một công ty Mỹ, FDA sẽ gửi thư cảnh báo về những thiếu sót trong áp dụng hệ thống HACCP của công ty đó, sau đó cho phép công ty tự sửa chữa. Công ty này sẽ không phải đóng cửa hay ngừng bán sản phẩm nếu khắc phục hết những thiếu sót.

Cho đến nay, qui trình trên cũng được áp dụng đối với các công ty chế biến nước ngoài. Để kiểm tra việc áp dụng hệ thống HACCP, hàng năm, FDA tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên khoảng 100 công ty chế biến ở 10 nước. Theo thông lệ, FDA sẽ thông báo trước nhiều tháng cho công ty chế biến, sau đó yêu cầu hợp tác. Quá trình kiểm tra chỉ mất 2-3 ngày. Sau khi kiểm tra FDA sẽ gửi báo cáo kết quả cho các công ty và sẽ thảo luận giải quyết các sai phạm nếu có. Tuy nhiên, hiện nay FDA đã bỏ qua thủ tục thông báo trước cho các công ty chế biến nước ngoài, chỉ thông báo khi sản phẩm của họ bị từ chối do không đáp ứng tiêu chuẩn HACCP.

Theo ông Richard Gutting, cựu Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ, cũng là luật sư giàu kinh nghiệm cho rằng, chính sách giữ hàng hóa nước ngoài bất ngờ của FDA đã vi phạm luật của chính FDA và nhiều hiệp định thương mại quốc tế. FDA yêu cầu hàng hóa nước ngoài cũng phải đáp ứng được tiêu chuẩn HACCP như hàng hóa nội địa. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ở Mỹ được gửi thư cảnh báo trước và được sửa chữa trước khi bị tuyên bố vi phạm tiêu chuẩn HACCP. Trong khi đó, các nhà sản xuất nước ngoài không được đối xử như vậy.

Ngoài ra, FDA cho phép các công ty trong nước tiếp tục bán sản phẩm trong thời gian thực thi qui định mới trong khi hàng hóa xuất khẩu của các công ty chế biến nước ngoài lại bị giữ lại với lý do đảm bảo an toàn thực phẩm. 80% nguồn cung thủy sản của Mỹ là từ nhập khẩu, việc FDA tiếp tục đối xử phân biệt đối với các công ty xuất khẩu nước ngoài có thể sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành Thủy sản của Mỹ

Lâm Phong
.
.
.