Hỗ trợ người lao động từ Libya về nước như thế nào?

Thứ Bảy, 16/04/2011, 17:14
Đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) nào thực hiện thanh lý hợp đồng cho lao động từ Libya trở về. Sự chậm trễ có nhiều nguyên nhân trong đó có lý do các doanh nghiệp đang phải chờ đợi phương án hỗ trợ từ Chính phủ. Ngày 15/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

PV: Người lao động từ Libya trở về vẫn đang chờ đợi phương án hỗ trợ một phần thiệt hại cho họ.  Xin Thứ trưởng cho biết phương án hỗ trợ sẽ được tính toán như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà: Vấn đề đầu tiên vẫn phải là chia sẻ, giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Đây là rủi ro bất khả kháng. Nhà nước đã tổ chức, bỏ công sức, tiền của đưa người lao động về nước an toàn tuyệt đối. Và cũng đã hỗ trợ tức thời mỗi lao động 1 triệu đồng. Đây là hỗ trợ kịp thời và rất lớn. Quan điểm là đảm bảo an toàn cho người lên hàng đầu. Còn việc hỗ trợ sẽ hướng đến những trường hợp người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đi thời gian ngắn quá, chưa bù đắp được chi phí.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà đón lao động từ Libya trở về.

Bộ LĐ-TB&XH đang giao cho Cục Quản lý Lao động ngoài nước nghiên cứu đề xuất hỗ trợ các đối tượng ấy như thế nào. Việc lớn là tạo việc làm trong nước cho họ. Giải pháp nữa là cho họ chuyển sang làm ở thị trường khác. Malaysia cũng là một trong những thị trường được nhắm tới cho những lao động này. Tiếp nữa là hỗ trợ cho lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng hỗ trợ bao nhiêu thì các cơ quan vẫn còn phải ngồi lại bàn bạc với nhau.

PV: Như vậy trong khi chưa có phương án hỗ trợ từ Bộ LĐ-TB&XH, doanh nghiệp XKLĐ sẽ phải đối mặt với nhiều thắc mắc của người lao động khi họ về tới sân bay đã có ý kiến đưa ra là sau 2 tuần sẽ thanh lý hợp đồng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà: Không có quy định trong trường hợp này 2 tuần là phải thanh lý hợp đồng. Nhưng tinh thần chung là phải khẩn trương thanh lý. Trong sự cố này, đúng là các doanh nghiệp cũng bị vướng, liên quan đến chính sách Nhà nước. Bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ thiệt hại. Quả thật, trong chiến dịch đưa lao động từ Libya về, phải hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp. Họ cũng bị thiệt hại rất lớn và mong Nhà nước hỗ trợ phần nào. Mà hỗ trợ ấy nằm trong phần thanh lý. Hiện nay họ đang chờ việc đó. Giải quyết việc này không phải chỉ mình Bộ LĐ-TB&XH vào cuộc mà còn liên quan tới các bộ, ngành khác và phải báo cáo tiếp.

Người lao động cũng phải bình tĩnh, tập trung chuẩn bị cuộc sống mới. Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các Sở LĐTBXH tổ chức tạo điều kiện việc làm cho người lao động. Việc thúc đẩy thị trường Malaysia nhằm giải quyết việc làm cho lao động Libya và cũng để đạt mục tiêu về XKLĐ trong năm 2011.

PV: Trong phương án hỗ trợ thiệt hại hậu Libya, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ được sử dụng như thế nào khi cả doanh nghiệp và người lao động cùng đóng góp xây dựng Quỹ?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà: Việc hỗ trợ cụ thể thế nào thì vẫn đang tính toán. Trong tất cả các quy định hiện có, chưa có xử lý cụ thể trong tình huống bất khả kháng. Chúng ta nói hỗ trợ nhưng những hỗ trợ bình thường, thường xuyên thì đã có quy định. Song trường hợp này quá mới, hỗ trợ vào cái gì thì còn phải trao đổi với nhau. Trong Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có qui định nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Không ai lường trước được tình huống như thế này. Trước mắt, Quỹ đã ứng cho mỗi người lao động 1 triệu, như vậy là Quỹ đã chi ra hơn 10 tỷ đồng. Quỹ cũng đã xuất tiền tạm ứng cho các doanh nghiệp. Đấy là chưa kể Nhà nước đã bỏ ra khá nhiều để đưa lao động về.

PV: Các doanh nghiệp trong nước tuyển chọn lao động đã giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động từ Libya trở về chưa, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà: Hiện có hơn 10 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tới 16.000 lao động. Tuy nhiên, làm việc ở đâu thì còn tùy thuộc lựa chọn của người lao động. Nhiều lao động vẫn có nguyện vọng được tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài. Bởi vì thu nhập XKLĐ cao hơn, ở Libya mỗi tháng thu nhập của người lao động cũng được từ 7-8 triệu đồng. Doanh nghiệp XKLĐ cũng báo cáo số lao động đăng ký đi lại khá nhiều.

Xin chân thành cám ơn Thứ trưởng!

Đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo thu nhập cho người lao động
sang làm việc tại Libya

Ngày 15/4, tại Hà Nội, đại diện Cục Lao động, Bộ Nguồn lực Malaysia đã trực tiếp sang Việt Nam để cùng với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH và hơn 50 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bàn các giải pháp thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Malaysia. Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Malaysia, số lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia trong những năm gần đây lên tới 2 triệu người. Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002, đến nay có 138 doanh nghiệp được phép đưa lao động sang làm việc tại Malaysia và đã có trên 190.000 lượt lao động sang làm việc tại 12 trong tổng số 13 bang của Malaysia, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, giúp việc gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, hiện nay lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia có mức lương cơ bản khoảng 21RM/ngày, cộng với các khoản tiền làm thêm giờ, thu nhập của người lao động đạt khoảng 750RM/tháng trở lên. Đây là mức thu nhập mà theo ông Quỳnh người lao động Việt Nam chấp nhận được. Để thúc đẩy việc đưa lao động sang Malaysia, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước và nhiều DN XKLĐ đã đề xuất Chính phủ Malaysia tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam cử cán bộ đại diện thường trực ở Malaysia hỗ trợ người sử dụng lao động trong công tác quản lý lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh; nâng mức thu nhập cơ bản cho lao động Việt Nam đồng thời giảm tối đa chi phí cho người lao động trước khi sang làm việc tại Malaysia.

T.Uyên

Thu Uyên
.
.
.