Hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, nông dân gặp khó

Thứ Bảy, 22/04/2017, 09:16
Được xem là cây trồng chủ lực để xóa đói giảm nghèo, nhiều năm qua, nông dân các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu. Tuy nhiên, hiện nay người trồng hồ tiêu rơi vào cảnh khó khăn và không kém phần lo lắng khi hàng trăm hécta tiêu bị nhiễm nấm bệnh khiến cây tiêu chết hàng loạt.

Cũng như nhiều địa phương gò đồi của tỉnh Quảng Trị, hàng trăm nông dân trên địa bàn xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đã tập trung đầu tư công sức lẫn tiền bạc để trồng cây hồ tiêu, góp phần ổn định sinh kế, phát triển hộ gia đình. Thế nhưng, vụ tiêu năm nay, khi giá tiêu thị trường đang tăng so với các vụ trước thì nhiều nông dân ở Trung Sơn rơi vào cảnh điêu đứng, thậm chí trắng tay do cây tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ dẫn đến chết khô.

Nhiều vườn tiêu ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, bị chết do dịch bệnh.

Ông Đào Đăng Yến là một trong số các hộ dân ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn chịu thiệt hại nặng nề khi cả vườn hồ tiêu hơn 200 gốc của ông bị nhiễm nấm bệnh sau đó chết dần. 

Dẫn chúng tôi ra vườn tiêu của gia đình, ông Yến lo lắng nói: “Vườn tiêu này được gia đình tôi trồng từ năm 1998 và chuyện học hành của các con, kinh tế của gia đình đều phụ thuộc vào năng suất của vườn tiêu. Nếu vụ mùa trước vườn tiêu sai quả, cho năng suất 3,5 tạ tiêu khô thì vụ mùa năm nay thất bát khi cây tiêu dần vàng lá rụng xuống đất, rễ héo khô, thân cây chuyển sang màu thâm đen rồi chết khiến chúng tôi không trở tay kịp”. 

Thống kê của UBND xã Trung Sơn, hiện toàn xã có hơn 380 hộ dân bị thiệt hại với 15ha tiêu bị chết. Nhiều hộ dân ở thôn Kinh Môn cho hay, nấm bệnh phát sinh trên cây tiêu diễn ra rất nhanh làm cây bị chết khiến họ không thể nào trở tay kịp.

Tương tự, tại xã Gio An, huyện Gio Linh cũng xảy ra hiện tượng cây hồ tiêu bị chết sau thời gian nhiễm bệnh rất ngắn, và số cây tiêu chết thường chiếm từ 40-50% diện tích vườn tiêu.

Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, hiện toàn xã trồng hơn 90ha hồ tiêu, bình quân mỗi năm năng suất cây tiêu đem lại hiệu quả kinh tế gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm cuối năm 2016, do thời tiết có mưa lớn kéo dài cộng với sự chủ quan của người dân nên nhiều diện tích cây hồ tiêu bị dịch bệnh khiến cây tiêu vàng lá, rụng lá và chết nhanh, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh trồng gần 2.450ha hồ tiêu, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 1.800ha với năng suất đạt 10,5 tạ/ha, tổng sản lượng 1.917 tấn. Ngoài địa bàn các xã của huyện Gio Linh; tình trạng cây hồ tiêu bị dịch bệnh và chết nhanh còn xuất hiện rải rác tại địa bàn huyện Vĩnh Linh với tổng diện tích toàn tỉnh có gần 358ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có 24,5ha hồ tiêu bị chết.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị xác nhận: “Hiện Chi cục đang xây dựng các mô hình và trình UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt kế hoạch phục hồi vườn hồ tiêu bền vững, qua đó hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật và hóa chất để xử lý gốc tiêu bị bệnh, trên hết nhằm ngăn chặn dịch bệnh không tái phát trên cây tiêu trong vụ mùa sắp tới...”.

Anh Khoa
.
.
.