Hiệu quả đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội miền núi Phú Yên

Chủ Nhật, 31/08/2014, 12:20
Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ với chiều dài bờ biển 189km nhưng tỉnh Phú Yên có ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân với hai huyết mạch quốc lộ 25, 29 nối liền cửa ngõ phía Đông Tây Nguyên. Từ một vùng đất chỉ có ba dân tộc thiểu số (DTTS) lâu đời là Ê đê, Chăm, Ba na, đến nay Phú Yên có 30 DTTS với 58.656 người, chiếm 6% dân số trong tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an nhân dân, ông Trần Quang Nhất - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, chỉ riêng 5 năm qua (2009-2014), đồng bào DTTS luôn đoàn kết vượt khó vươn lên xây dựng bức tranh nông thôn miền núi với những gam màu sáng đẹp được tổng hòa bằng ý Đảng lòng dân. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm ở miền núi Phú Yên đạt 12,8%, bình quân đầu người đạt 17-24 triệu đồng.

Bên cạnh việc mở rộng sản xuất sắn, mía, lúa nước, cao su kết hợp đẩy mạnh chăn nuôi, trong vùng đồng bào DTTS ở Phú Yên đã có 58 trang trại, tăng 57% so với năm 2011. Mô hình trang trại đã góp phần cải tạo vườn tạp, nương rẫy, đồi núi trọc, khôi phục nâng cao độ che phủ của rừng lên 37,1%. Điều đáng ghi nhận là Phú Yên thường xuyên quan tâm chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư, hỗ trợ miền núi, vùng đồng bào DTTS từ những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở, hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, định canh định cư, hỗ trợ con em DTTS học tập…

Ma Min ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên - một điển hình làm giàu từ mô hình kinh tế vườn rừng trong đồng bào DTTS cùng với phóng viên Báo CAND.

Trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoài hai tuyến quốc lộ 25, 29 nối liền Gia Lai, Đắk Lắk, còn có trục giao thông phía Tây đi qua các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk, 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm, nhiều địa phương có hàng chục km đường nhựa nối thôn, buôn với trung tâm xã; các công trình thủy lợi được nâng cấp, mở rộng, tăng năng lực tưới tiêu lên 6.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, 100% thôn, buôn miền núi có lưới điện quốc gia và phủ sóng phát thanh truyền hình, viễn thông. Đến nay miền núi Phú Yên đã có 43 giếng nước tập trung và 21 công trình cấp nước cộng đồng, đảm bảo giải quyết nhu cầu nguồn nước sinh hoạt cho hơn 3.000 gia đình đồng bào DTTS với hơn 80% hộ dân sử dụng nước sạch.

Từ phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào DTTS ở Phú Yên, 5 năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng. Trong số hàng chục nông dân sản xuất giỏi có ông Y Nam ở xã Sơn Nguyên - huyện Sơn Hòa; Nay Y Thu ở xã Ea Ly, Ma Min ở xã Ea Bar - huyện Sông Hinh, Lê Mo Dõn ở xã Xuân Phước - huyện Đồng Xuân vươn lên làm giàu từ trang trại kinh tế nông - lâm kết hợp với thu nhập mỗi năm từ 120-150 triệu đồng; Ma Hạng ở xã Phước Tân, Ma Tư ở xã Krông Pa - huyện Sơn Hòa; Kpá HBin ở thị trấn Hai Riêng, Mí Khét ở xã Ea Lâm - huyện Sông Hinh tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền bạc xây dựng công trình phục vụ cộng đồng; Ma Rái - Bí thư chi bộ buôn Krông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh tích cực vận động đồng bào làm đường giao thông miền núi hiệu quả; La Thanh Nông ở xã Phú Mỡ; La Chí Thái, Soa Danh Châu ở xã Xuân Lãnh - huyện Đồng Xuân là điển hình “Xây dựng gia đình hiếu học, ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu hiếu thảo”…

Nói về công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - ông Trần Quang Nhất cho hay, đến nay 100% thôn, buôn, trường học ở miền núi đều có chi bộ đảng, trong đó có 1.936 đảng viên là người DTTS, chiếm 5,6% tổng số đảng viên trong tỉnh, tỷ lệ cán bộ người DTTS trong các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể - xã hội ở cơ sở tăng lên rất nhiều. Chính đội ngũ đảng viên, cán bộ DTTS cùng già làng và người có uy tín ở các thôn, buôn đã góp phần đấu tranh ngăn chặn hiệu quả âm mưu đen tối của các tổ chức phản động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở miền núi, bảo vệ bình yên cuộc sống

Hữu Toàn
.
.
.