Xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ:

Hiểu luật để tăng trưởng bền vững

Thứ Ba, 04/12/2007, 16:20
Nhằm hỗ trợ cho DN làm hàng xuất khẩu tránh phải đối mặt với việc bị kiện chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu, nhất là từ Mỹ, mới đây Chi nhánh Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM đã tổ chức khóa học phổ biến Luật Chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ...

Với 2.000 doanh nghiệp (DN) trên cả nước, tập trung nhiều tại Bình Dương, gồm trên 300 DN, TP Hồ Chí Minh là hơn 200… ngành chế biến và sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đã vươn lên xếp trong vị trí "top 5" các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bằng mức tăng trưởng khá cao...

Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào thị trường Mỹ của DN trong nước đã đạt hơn 687 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên để phát triển bền vững, giữ được thị trường truyền thống này và tránh được nguy cơ bị kiện chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu, nhất là từ Mỹ, thì còn nhiều vấn đề DN xuất khẩu mặt hàng này cần quan tâm.

Nhằm hỗ trợ cho DN làm hàng xuất khẩu tránh phải đối mặt với nguy cơ này, mới đây Chi nhánh Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khóa học phổ biến Luật Chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ...

Theo một cán bộ của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ xuất khẩu TP Hồ Chí Minh, hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đặt tại Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ - đang có xu hướng di chuyển nhà máy sản xuất đến các nước khác bởi sợ bị Mỹ áp dụng hình thức kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ sản xuất tại nước này.

Đối với DN trong nước, khi bị kiện chống bán phá giá, cơ quan chức năng của Mỹ sẽ tiến hành điều tra độc lập dựa trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin sản phẩm của một nước thay thế tương ứng, điều này sẽ gây rất nhiều bất lợi cho DN Việt Nam.

Để tránh bị kiện, cách tốt nhất đối với DN trong nước làm hàng xuất khẩu là áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho nguồn gỗ nguyên liệu dùng sản xuất sản phẩm của mình.  

Sau thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng là nước nhập khẩu đồ gỗ khá lớn từ các DN Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt con số trên 230 triệu USD.

Tuy nhiên, với thị trường lớn nhưng khá khó tính này, mặc dù các DN Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 với 308 ngàn sản phẩm trong 9 tháng đầu năm 2007 nhưng chỉ với đồ gỗ dùng cho nội thất phòng ngủ, mặt hàng nhập nhiều thứ 2 sau ghế khung gỗ vào Nhật Bản.

Một tín hiệu đáng buồn nữa là mặc dù làm hàng xuất khẩu, nhưng có đến 80% gỗ nguyên liệu DN phải nhập khẩu…

Để giải quyết vấn đề này, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ xuất khẩu thành phố đã đứng ra làm đầu mối nhập khẩu, tập trung nhu cầu của nhiều DN cùng lúc, mua với khối lượng lớn thì giá thành sẽ hạ. Thị trường Mỹ hằng năm nhập khoảng 70 tỷ USD đồ gỗ và gỗ nội thất, đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng.

Theo giám đốc một DN có nhiều năm làm hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường này "nếu DN tăng cường định hướng và xúc tiến xuất khẩu những mặt hàng chiếm thị phần chưa lớn tại Mỹ sẽ vừa tránh được nguy cơ bị kiện, vừa chiếm lĩnh được thị phần"

Đức Thắng
.
.
.