Hiệp định TF sẽ giúp giải phóng nhanh hàng xuất nhập khẩu

Thứ Ba, 02/02/2016, 09:02
Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (Hiệp định TF) gồm 3 phần chính với 24 điều, gồm quy định về các biện pháp kĩ thuật, tập trung chủ yếu vào tiếp cận thông tin và tính minh bạch, quản lý các quy định pháp lý liên quan đến thương mại, thông quan hải quan, quá cảnh thương mại.

Các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt với các thành viên đang phát triển và kém phát triển; trong đó có vấn đề hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện cam kết của hiệp định.

Hiệp định đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế. Do đó khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các cam kết liên quan đến thương mại khác trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện.

Hiệp định TF được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Internet.

Ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam là thành viên thứ 54 trong số 64 thành viên đã phê chuẩn Hiệp định TF và Hiệp định này sẽ có hiệu lực khi có đủ 2/3 (108 nước) số thành viên WTO phê chuẩn. 

Vì vậy, Hiệp định TF đã góp phần tạo khung pháp lý cơ bản, đồng bộ với các chuẩn mực Hải quan quốc tế; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hoạt động quản lý hải quan, chuyển một bước từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý hiện đại theo đó nhiều khâu trung gian không cần thiết đã được loại bỏ; rút ngắn thời gian tiến hành thủ tục hải quan; giảm bớt các giấy tờ phải nộp, phải xuất trình; đơn giản hóa, công khai hóa thủ tục hải quan; giảm sự phiền hà, ách tắc hàng hóa, phương tiện vận tải tại cửa khẩu và thông quan được thuận lợi, nhanh chóng hơn; từng bước áp dụng ưu tiên làm thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan.

Đồng thời, phương thức quản lý hải quan hiện đại được đẩy mạnh áp dụng nhằm đáp ứng, phục vụ kịp thời yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc tiên tiến, công nghệ thông tin vào thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát gián tiếp bằng thu thập thông tin, “giảm tiền kiểm” chuyển sang “hậu kiểm”, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật; góp phần tích cực chống thất thu thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu; từng bước có tác dụng ngăn ngừa, răn đe đối với các chủ thể cố ý vi phạm pháp luật hải quan.

Ông Toàn cũng cho rằng, việc thực hiện Luật Hải quan 2014 là cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho triển khai các cam kết của Hiệp định TF. Tiến độ thực hiện các cam kết với cơ chế chế tài của WTO sẽ giúp đổi mới tư duy làm việc vốn có trong các cơ quan nhà nước có liên quan, đây sẽ là nhân tố tích cực huy động các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia giúp thúc đẩy thực hiện Hiệp định TF nói riêng và giúp thúc đẩy tiến độ hiện đại hóa quản lý xuất nhập khẩu nói chung. 

Tuy nhiên, trong điều kiện một nước đang phát triển, hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng trên 90%, thì việc tiếp cận và vận dụng chính sách pháp luật còn hạn chế, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang diễn ra, do đó việc áp dụng hiệu quả các biện pháp tạo thuận lợi thương mại nói chung và các cam kết tạo thuận lợi thương mại của Hiệp định TF thực sự là một thách thức không nhỏ.

Lưu Hiệp
.
.
.