Hiểm họa từ việc nhập lậu thiết bị phá sóng

Thứ Năm, 24/07/2014, 11:33
Gần đây, lực lượng Hải quan đã phát hiện kịp thời và bắt giữ nhiều tiết bị phá sóng được vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh và đường hàng không. Đây là những thiết bị hiện đại và tinh vi, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ có những hiểm họa khôn lường khi hàng hóa được thẩm lậu vào nội địa.

Ngày 22/7, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị đã hoàn tất hồ sơ chuyển Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh xem xét xử lý vụ nhập khẩu trái phép lô hàng thiết bị phá sóng súng bắn tốc độ xe cơ giới. Trước đó, vào ngày 14/7, Chi cục vừa kiểm tra, phát hiện lô hàng thiết bị phá sóng của súng bắn tốc độ xe cơ giới nhập lậu ẩn trong lô hàng phi mậu dịch. Lô hàng trên do một cá nhân ngụ tại quận 3, TP Hồ Chí Minh đăng ký 2 tờ khai nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch. Một tờ khai thể hiện mặt hàng nhập khẩu gồm 5 hộp điều khiển. Tờ khai còn lại thể hiện mặt hàng nhập khẩu là cảm biến hỗ trợ đậu xe (phụ tùng xe hơi, gồm 5 cái), tất cả đều có xuất xứ Đan Mạch.

Kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, cơ quan Hải quan xác định, toàn bộ các thiết bị nhập khẩu thuộc 2 tờ khai trên là các thiết bị điện tử đồng bộ. Kết quả giám định cho thấy, thiết bị này là bộ máy phá sóng lắp trên các loại xe ô tô để phát hiện và vô hiệu hóa sóng phát ra (chức năng đo tốc độ) từ súng bắn tốc độ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Tổng cộng gồm 5 bộ (mỗi bộ gồm 1 hộp điều khiển và 4 cục cảm biến cùng các thiết bị phụ trợ), trọng lượng 8,5kg, hiệu Blinder, model Compact series. Đây là mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. Gần đây nhất, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh kiểm tra lô hàng do Công ty Shenzhen Northtong Technology (một công ty ở Trung Quốc chuyên sản xuất các thiết bị về an ninh) gửi cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Ánh Sáng Việt, phát hiện 5 bộ thiết bị gây nhiễu thông tin di động (phá sóng) không ký mã hiệu, có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hay vào ngày 13/5, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra và phát hiện 1 lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chứa nhiều thiết bị phá sóng. Lô hàng này được nhập khẩu theo vận đơn số 7381406895, gửi cho người nhận là ông Nguyễn Văn Trung, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Kiểm tra trọng điểm đối với lô hàng này, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện có 11 bộ thiết bị điện tử là máy phá sóng điện thoại và 3 thanh kiếm bằng kim loại dài 1,1m/cái.

Theo điều tra, 11 bộ thiết bị điện tử máy phá sóng điện thoại nêu trên là loại máy phá sóng đời mới, gồm 1 máy chủ và 10 máy phụ cầm tay hiệu Hole site to thetripot. Những thiết bị phá sóng trên là thiết bị gây nhiễu cấm nhập khẩu theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 2/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có các lực lượng Công an, Quân đội được cấp phép mới được nhập khẩu và sử dụng.

Theo ông Lê Đình Thuật, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh TP Hồ Chí Minh, phần lớn các vụ nhập khẩu trái phép các thiết bị cấm đều cất giấu trong những kiện hàng là quà biếu, quà tặng. Tuy nhiên, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, các đối tượng đứng tên người nhận hàng đều từ chối, với lý do phía nước ngoài gửi nhầm, họ không liên quan gì đến lô hàng.

Theo ông Thuật, đối với các lô hàng phi mậu dịch (quà biếu, quà tặng) không có hợp đồng thương mại, không có chứng từ gì có liên quan ràng buộc đối với người gửi hàng và người nhận hàng, nên khi phát hiện các mặt hàng nhập khẩu thuộc hàng cấm, kể cả chất gây nghiện, ma túy…, cơ quan Hải quan cũng chỉ dừng lại ở mức tịch thu hàng hóa vi phạm, cảnh báo cho cơ quan chức năng, mà không xử phạt được người vi phạm… Vì vậy, một số đối tượng đã lợi dụng cất giấu những mặt hàng này trong các lô hàng quà biếu, quà tặng để gửi về Việt Nam. Trong thời gian tới, đơn vị Hải quan tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng cấm qua đường hàng không và chuyển phát nhanh. Tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc cung cấp thông tin, không để lọt các vụ vận chuyển trái phép hàng cấm thẩm lậu vào nội địa

Phan Đức
.
.
.