Heo gà lậu nguy hại hơn cả ổ dịch bệnh

Thứ Ba, 08/01/2013, 13:31
Thịt heo bơm nước bẩn, heo sữa đã bị phân hủy bốc mùi vẫn xuôi ngược Trung - Nam đưa đi tiêu thụ, gia cầm không giấy kiểm dịch lọt qua hàng chục trạm kiểm soát để vào chợ sỉ, chợ lẻ, chợ trái phép rồi từ đây vào cả nhà hàng, len lỏi vào từng bữa cơm của người dân.

Càng gần Tết tình trạng nhộn nhạo trong kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm càng khó kiểm soát. “Cán bộ thú y, Đoàn liên ngành “ra quân” đủ kiểu nhưng vẫn không dẹp được nạn làm ăn gian dối này. Vì chúng tôi thiếu “gậy” xử lý”. Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Thú y Bình Chánh, một địa bàn đang được coi là nóng nhất hiện nay về nạn kinh doanh giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) trái phép chia sẻ.

“Mầm họa” từ đường dây kinh doanh gia súc gia cầm lậu

Nhìn bằng mắt thường tại các cửa hàng đang trưng bày bán thịt heo quay, đặc biệt là heo sữa với màu sắc vàng rộm thơm lừng mấy ai biết được những sản phẩm trông ngon lành kia rất có thể được phù phép từ một lò thịt thối nào đó, vận chuyển lén lút trên các loại xe khách, xe buýt, từ Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Long An... vào TP Hồ Chí Minh.

Ngày 2/1 vừa qua Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức qua tin báo từ chính khách đi trên xe tốc hành Huế vào TP Hồ Chí Minh mà kịp thời “đón lõng” bắt tại trận hơn 200 con heo sữa đang trong tình trạng bốc mùi hôi thối. Chủ hàng định đưa lô hàng kinh khủng này vào các tiệc cưới nhà hàng. Từ đầu năm tới nay những lô hàng “bẩn” như trên đã liên tục được phát hiện.

Theo ông Nguyên, cứ khi nào xảy ra dịch bệnh hay dịp lễ, Tết là lại rộ lên chuyện kinh doanh vận chuyển hàng kém phẩm chất, chuyện heo gà thối tuồn vào thành phố. “Gần đây chúng tôi còn phát hiện và bắt giữ tới 4 lần tại một hộ giết mổ heo trái phép tại xã Vĩnh Lộc B, chủ cơ sở nộp phạt xong lại sẵn sàng vi phạm tiếp, coi thường pháp luật. Nguy hại hơn mẫu thịt heo lấy tại đây nhiễm virus lở mồm long móng chủng mới. Nguy cơ lây lan dịch bệnh là thế nhưng chủ hộ gọi nhiều lần vẫn không lên khai báo nguồn heo lấy tại đâu!”.

Cũng theo ông Nguyên, trước đây các chủ cung cấp hàng để tìm kiếm thêm lợi nhuận trên mỗi kilôgam thịt heo đã dùng nước “tống” thẳng vào họng heo cho tới khi bụng heo căng tròn, heo không đứng nổi, chỉ nằm trên sàn xe. Tuy nhiên khi qua một chặng đường dài từ tỉnh về TP heo bơm nước như vậy thường bị chết dọc đường. Giới thương lái lại nghĩ ra chiêu thỏa thuận với chủ chăn nuôi cho heo ăn thuốc tăng trọng trước khi xuất chuồng. Heo tăng trọng cho khối thịt đồ sộ hơn, dễ bán hơn và bán cũng được cao giá hơn từ 2.000-3.000đ/kg. Bị triệt phá, thương lái lại “tung chiêu” mới mà lực lượng Thú y phát hiện gần đầy là chích thuốc an thần vào heo. Heo bị chích thuốc an thần vừa nằm im ngủ li bì suốt chặng đường xa về TP, lại ít bị chết hơn heo bơm nước, và cũng thuận lợi hơn cho dân giết mổ lậu, vì heo bớt … “ầm ĩ” làng xóm xung quanh hơn, đảm bảo việc làm ăn suôn sẻ.

Heo sữa thối bị bắt giữ tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức.

Thiếu “gậy” chế tài, địa phương không kiên quyết

Tại địa chỉ C5A/30U tổ 5, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh khi phát hiện vụ việc heo chích thuốc an thần cho thấy, chủ lô hàng là ông Hiến đã mua thuốc hiệu Prozil chích cho 16 con heo vào đêm trước để sáng hôm sau giết mổ. Đây là thuốc an thần dùng cho động vật, theo chỉ định của bác sĩ thú y nhưng các chủ lò giết mổ trái phép cứ chích cho heo theo kinh nghiệm của họ. “Chích 5cc mà chưa thấy heo “phê”, họ tăng lên 10cc. Nhưng kẹt nỗi ngành Thú y hiện mới làm được mẫu xét nghiệm nước tiểu heo, mẫu huyết thanh và ghi nhận như vậy chứ không có chế tài xử lý. Thuốc an thần vào heo, con người ăn phải có đào thải được hết không cũng không có nghiên cứu nào cho biết, dù biết chất này có thể gây cho người ăn bị choáng tạm thời, rối loạn chức năng tiêu hóa, tim mạch…” - ông Nguyên cho biết.

Được biết qui định rõ ràng với chủ chăn nuôi GSGC, thuốc thú y khi loại thải khỏi cơ thể GS mới được giết mổ. Thời gian cần và đủ này là 14 ngày. Vì nếu giết mổ trước thời hạn này thịt GSGC sẽ không đảm bảo an toàn cho con người. Tuy nhiên hầu hết giữa người chăn nuôi và thương lái đều biết hết nhưng vẫn thỏa thuận ngầm với nhau làm những trò ranh ma, kiếm lợi nhuận mà không màng tới sức khỏe người dân.

Chúng tôi đã từng cùng các cán bộ thú y Bình Chánh trò chuyện nhiều lần về nạn thú y bị thương lái trả thù, bị chủ lò giết mổ lậu dọa “làm thịt”. Nhiều vụ việc Công an phải tới bắn súng chỉ thiên mới giải tỏa được. Song bức xúc nhất là cho dù đã có công văn đi - về giữa lực lượng Thú y, UBND huyện, UBND xã, thậm chí có chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về triệt hạ các điểm kinh doanh - giết mổ GSGC trái phép trên địa bàn Bình Chánh nhưng cho tới nay tình trạng vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Nơi này vẫn có hàng chục điểm giết mổ GC lậu tại chỗ, di biến động và lò giết mổ heo trái phép. Có điểm ngay gần UBND xã Vĩnh Lộc B tồn tại cả chục năm nay. “Có lúc cán bộ thú y canh bắt được thủ phạm từ 11h đêm nhưng đợi mòn mỏi tới sáng Đoàn liên ngành và UBND xã mới tới. Nếu địa phương nhiệt tình chúng tôi đảm bảo không còn tình trạng kinh doanh GSGC lậu nữa” - ông Nguyên bức xúc.

Tình trạng thiếu kiên quyết của chính quyền khi trấn áp nạn GSGC lậu kéo dài khiến tại Bình Chánh 2 khu vực xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có nhan nhản các điểm mổ gà heo lậu. Chỉ riêng ấp I xã Vĩnh Lộc B có tới 4 điểm giết mổ lậu, 4 ông chủ tại đây được thú y xếp vào các đối tượng “cộm cán” với hành vi sẵn sàng “ăn thua đủ” với ai dám đụng vào lò giết mổ của họ. Có những vụ việc biết mười mươi trong nhà chủ cơ sở đang tổ chức giết mổ gà vịt, mỗi đêm xe tải chở hàng tấn GC vào nhà nhưng Đoàn liên ngành tới 20 người rầm rộ vẫn không thể “xâm nhập tư gia” vì không có “trát” của Chủ tịch UBND địa phương, lực lượng Thú y đành lấy chứng cớ bằng cách đưa máy quay phim quay lại cảnh hoạt động trái phép bên trong mà không làm sao “đụng” được kẻ vi phạm

Huyền Nga
.
.
.