Nông dân “khóc ròng” vì nông sản phải đổ đi:

Hậu quả của sản xuất tự phát

Thứ Năm, 10/04/2014, 09:09
Câu chuyện rau chết khô vì không ai thu hoạch, dưa hấu và cà chua đem đổ cho trâu bò ăn cũng không xuể, hàng nghìn xe dưa hấu đỗ xếp hàng dài hàng km chờ thông quan qua bên kia biên giới… đều là những câu chuyện không mới, đã xảy ra nhiều năm nay. Nông dân sau mỗi vụ được mùa nhưng trắng tay lại khóc ròng, bởi họ chính là nạn nhân của nền sản xuất nông nghiệp vụn vặt, chắp vá.

Ở Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng… bắp cải đến vụ thu hoạch có giá 1.000  đồng/kg. Công thu hoạch còn cao hơn tiền bán rau, người nông dân phải bỏ cho rau chết tại ruộng, hoặc thả trôi sông, cho gia súc ăn… Tiếp đó, cà chua Đà Lạt cũng cùng “cảnh ngộ”. Theo tính toán, trung bình mỗi hộ dân tại đây trồng khoảng 3 sào cà chua, chi phí sau 3 tháng chăm sóc khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay giá bán cà chua chỉ được 500 đồng/kg, trong khi mọi năm giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Để thuê nhân công thu hái 1 ngày mất 300.000 đồng/ngày/công lao động.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, hơn 1.000 ha rau tại Đà Lạt và những vùng nông nghiệp trọng điểm như Đơn Dương, Đức Trọng... đang rớt giá thê thảm. Tại xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), nhiều nông dân chuyên trồng rau củ đành mang cà rốt, cà chua, xà lách, cải thảo, su su... làm thức ăn cho bò do giá quá thấp.

Dưa hấu chất đầy bờ ruộng, không có thương lái hỏi mua. Ảnh: Lê Thanh.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là người nông dân chỉ biết sản xuất theo thói quen, trồng rau màu đan xen theo vụ, theo chu kỳ mà không để ý đến nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, thông tin dự báo của các cơ quan quản lý cũng gần như không có. Cụ thể, tại Lâm Đồng, diện tích rau xanh có tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa chỉ chiếm khoảng 10% phần diện tích chủ yếu là qua các công ty, hợp tác xã. Vì vậy, những nhà vườn nằm ngoài chuỗi liên kết vẫn phải chịu sự rủi ro từ thị trường, nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn thì việc nông sản thành thức ăn cho bò vẫn có thể lại tái diễn.

Thực tế, chủ trương của Bộ NN&PTNT đã được đặt ra từ 2 năm nay, chuyển đổi hơn 200.000ha lúa sang cây màu có giá trị, chuyển sang ngô, đậu tương phục vụ thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi vụ nào mất mùa thì giá nông sản lên cao, được mùa lại rớt giá thê thảm thì chủ trương này liệu có khả thi khi đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng?

Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vấn đề nông sản gặp “nạn” đã được nói đến từ lâu như sắn, vải, dưa hấu, thanh long, cà chua. “Ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về vấn đề sản xuất, lo làm sao nông dân có mùa  bội thu, năng suất cao, chất lượng tốt, còn ngành Công Thương chịu trách nhiệm về vấn đề tiêu thụ. Hai ngành dường như không có sự  gắn kết”, ông Nguyễn Văn Bộ nhận định.

Rõ ràng, cần phải có một quy chế điều hành mới cho sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hai yếu tố này cần gắn kết với nhau chứ không thể tách bạch như hiện nay. Sản xuất phải dựa trên nhu cầu thị trường...

Chung quan điểm, ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam còn lưu ý, chúng ta đang trong tình trạng giám sát quy hoạch không chặt chẽ, liên tiếp để nông dân phá vỡ quy hoạch sản xuất. Bởi vậy, để giải bài toán dư thừa nông sản hiện nay cần thiết phải quy hoạch sản xuất cho các loại nông sản chủ lực.

Nếu muốn thay đổi thực trạng trên, có lẽ điều trước mắt là phải thay đổi tư duy về mặt quản lý nông nghiệp, xuất khẩu. Nhà nước cần tổ chức sản xuất mỗi ngành hàng một cách có hệ thống chuỗi giá trị từ khâu tìm hoặc mở thị trường rồi về tổ chức lại cho nông dân kết hợp với nhau sản xuất theo cùng một quy trình. Và phải có chiến lược dài hạn mới mong nông dân thoát được nghèo

Ngọc Yến
.
.
.