Hậu Giang: Hàng trăm vườn cây trái đặc sản đang "chết đứng"

Thứ Bảy, 04/07/2009, 14:29
Vùng đất Phú Hữu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) vốn nổi tiếng bởi những loài cây ăn trái đặc sản như bưởi năm roi, cam sành, xoài,… Thế nhưng giờ đây hàng chục hộ dân chỉ còn biết kêu trời, bất lực nhìn vườn cây đặc sản của mình đang chết đứng.

Từ đơn thư của người dân, chúng tôi về ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, để tìm hiểu sự việc. Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư ấp Phú Thạnh cho biết: Kinh tế của ấp Phú Thạnh chủ yếu là nông nghiệp với những vườn cây ăn trái đặc sản. Từ khi có chủ trương thực hiện Khu công nghiệp Phú Hữu A, một phần lớn đất nông nghiệp (đất vườn cây ăn trái) của ấp bị giải tỏa thu hồi để làm khu công nghiệp. Khi thành lập khu công nghiệp, hàng loạt nhà đầu tư nhảy vào nhưng cho đến nay đã hơn hai năm vẫn chưa thấy gì trong khi người dân thì "bó gối" đứng nhìn tài sản của mình đang chết trong sự bất lực.    

Anh Dương Văn Tư, Trưởng Công an ấp Phú Thạnh, cho biết: Năm 2008, ấp có 56 hộ nghèo nhưng đợt phúc tra vừa rồi ấp đã tăng thêm 37 hộ cận nghèo. Theo lý giải của anh Tư, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do "dân bị kẹt" bởi các dự án. Nhà cửa, vườn cây ăn trái đã kê biên gần 2 năm nay mà không bồi thường, cũng không cho dân sửa chữa hay đầu tư sản xuất. Nhiều hộ gia đình không cầm cự được đành phải đóng cửa nhà để lên TP HCM tìm việc làm.

Theo số liệu từ địa phương, toàn xã Phú Hữu A có 1.799ha, phần lớn là đất nông nghiệp nhưng đến nay, do bị quy hoạch nhiều dự án nên đất vườn cây ăn trái của xã còn khoảng 884ha. Điều đáng nói, phần lớn đất vườn bị quy hoạch, kê biên nhưng chưa bồi hoàn cũng đồng nghĩa với chừng đó hécta đất vườn cây ăn trái đang bị "chết đứng". Tình trạng này còn xảy ra ở nhiều xã khác của huyện Châu Thành.

Ông Lê Thanh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú, nhìn nhận: "Việc chậm phát tiền bồi thường, nhìn chung rất khổ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án. Các nhà đầu tư nên nhanh chóng phối hợp với các ngành chức năng, địa phương bồi thường cho dân. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong khu công nghiệp và có kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp cho lao động địa phương, đặc biệt là những hộ bị ảnh hưởng từ dự án…"

Nam Giao
.
.
.