Hàng trăm dự án tái định cư dân vùng thiên tai, sạt lở “nằm" chờ vốn

Thứ Hai, 14/05/2012, 12:56
Theo ước tính, đến năm 2015, cả nước sẽ di dời, tái định cư cho 110.000 hộ nằm trong vùng thiên tai, nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên đến thời điểm này, phần lớn các khu tái định cư (TĐC) được Chính phủ đốc thúc các Bộ, ngành thực hiện vẫn nằm trên giấy. Một số khu đã hoàn thiện, người dân chuyển đến lại phải sống trong điều kiện thiếu thốn.
>> Dân vùng sạt lở chưa được di dời dù mùa mưa bão tới gần

Dân “mỏi cổ” chờ dự án “treo”

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2006-2010, các địa phương trên cả nước đã bố trí ổn định cho hơn 146 nghìn hộ dân, trong đó, chiếm phần lớn là số hộ dân ở vùng sạt lở. Ông Phạm Khánh Ly, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nhận định: “Chương trình bố trí ổn định dân cư là chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ổn định xã hội và có ý nghĩa nhân văn cao cả”.

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện cho thấy, mục tiêu bố trí dân cư các Bộ, ngành, địa phương đặt ra còn quá thấp so với nhu cầu thực tế, đó còn chưa kể, một số địa phương triển khai chậm. Một số điểm tái định cư, dân đã đến sinh sống nhưng còn thiếu các công trình hạ tầng như điện, nước, đường, nên phát sinh tình trạng, dân tự ý bỏ về chỗ cũ ở.

Đơn cử như tại Nghệ An, theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh này, trong năm 2011, Nghệ An đã phê duyệt đầu tư xây dựng 13 khu TĐC, trong đó có khu TĐC cho các hộ vạn chài trên sông Lam ra khỏi thiên tai lũ lụt xã Đặng Sơn (Đô Lương); tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và đặc biệt khó khăn ở xã Nhôn Mai (Tương Dương); điều chỉnh, bổ sung dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất xã Nậm Giải (Quế Phong); dự án xây dựng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở ở xã Châu Tiến, Liên Hợp (Quỳ Hợp)… Tổng vốn bố trí đầu tư cho các dự án trên lên đến 83.000 triệu đồng, nhưng do thiếu kinh phí nên đến thời điểm này, các dự án trên vẫn “nằm” trên giấy chờ điều chỉnh.

Hàng vạn hộ dân vùng lũ quét, sạt lở đang chờ được tái định cư.

Còn tại Yên Bái, khu TĐC Mường Lai (huyện Lục Yên) được dành cho các hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất, với diện tích 84.915m2, gồm cả nhà văn hóa, trường học, quỹ đất dự phòng và ổn định cuộc sống cho 153 hộ dân. Nhưng sau khi về ở, các hộ dân lại phải sống trong tình trạng không điện, không nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất.

Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang Nguyễn Thị Định cũng băn khoăn, số vốn là quá lớn, dù địa phương chỉ đóng góp 40% nhưng cũng khó có thể đáp ứng được. Hơn nữa, hiện, hầu hết các địa phương cũng đều đang triển khai xây dựng nông thôn mới với tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Ông Âu Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết, hiện, việc bố trí đất ở cho các hộ cần di dân là rất khó khăn, những khu vực đất màu mỡ, có thể sản xuất được thì đã có chủ. Trong khi đó, đất giao cho các hộ phải là đất có thể sản xuất được, nếu không, người dân sẽ tìm lại về khu ở cũ để sinh sống, sản xuất.

Ngoài ra, mức hỗ trợ trên cho các hộ trong diện phải di dời là quá thấp. “Chủ trương di dân, vừa là để dân cư đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống, nhưng cũng là xóa nhà tạm, xây nhà kiên cố. Nhưng với mức hỗ trợ như trên, thì lại chỉ đủ để xây dựng một căn nhà tạm”, ông Chiến phân tích. 

Tái định cư phải kiên cố, ổn định hơn nơi ở cũ

Cả nước hiện đang tồn tại hàng trăm điểm sạt lở, 60 lưu vực sông dễ xảy ra lũ quét với khoảng hơn 10 vạn hộ sinh sống ở khu vực có nguy cơ rất cao, cần phải di dời đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống. Trong khi đó, thiên tai ngày càng phức tạp và gây hậu quả nặng nề cho người và tài sản.

Theo ông Ly, nhu cầu bố trí ổn định dân cư hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn, lên tới trên 60 vạn hộ, tương đương khoảng 305 vạn người,  riêng giai đoạn 2011-2015 cần bố trí cho gần 35 vạn hộ. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất cấp bách trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, cũng ông Ly cho hay, do giai đoạn tới số hộ trong diện cần di dời quá lớn, nên mục tiêu đưa ra, từ nay đến 2015, chỉ thực hiện bố trí cho 12,5 vạn hộ, đến năm 2020 là 30 vạn hộ, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu cần di dân lên tới hơn 83 nghìn hộ, tiếp đó đến khu vực Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ…. Con số này chỉ mới bằng một nửa so với nhu cầu thực tế. Trong đó, theo chiến lược của Chính phủ, các khu TĐC phải đảm bảo mục tiêu, đời sống của người dân ở nơi tái định cư phải ổn định, tốt hơn so với nơi ở cũ, 100% số hộ có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đưa ra chính sách hỗ trợ gia đình được bố trí ổn định. Cụ thể, hộ bị mất nhà, đất ở, đất sản xuất do sạt lở được hỗ trợ 28 triệu đồng nếu định cư ở vùng đồng bằng, 32 triệu đồng/hộ nếu định cư ở vùng núi; hộ gia đình ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn sẽ hỗ trợ từ 18-21 triệu đồng/hộ…. Với mục tiêu trên, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, số vốn cần để bố trí ổn định dân cư giai đoạn tới là rất lớn, bởi đó, cần sự đóng góp của địa phương chung sức cùng Nhà nước.

Bộ NN&PTNT khái toán, số vốn cần để bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2011-2015 là hơn 15 nghìn tỷ đồng, giai đoạn kế tiếp 2016-2020 cần số vốn tương tự. Đây là số kinh phí không nhỏ, do vậy, để thực hiện được, Bộ NN&PTNT đưa ra, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 60%, còn 40% sẽ do ngân sách địa phương đóng góp

Chi Linh
.
.
.