Hàng thời vụ và kiểu làm ăn... “chụp giựt”

Thứ Sáu, 19/09/2008, 14:38

Cục Hải quan TP HCM vừa qua đã buộc một doanh nghiệp phải "chở củi về rừng" khi lô hàng hơn 27 tấn mứt thập cẩm của họ xuống tàu từ… Los Angeles (USA) được cập cảng Cát Lái. Thực ra đây chính là lô hàng mà công ty này đã xuất sang Mỹ để phục vụ kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vì nhiều lý do mà lô hàng phải quay lại nơi xuất phát.

Ngày 10/9, cơ quan chức năng cũng phát hiện một lô hàng trên 4.000kg kẹo xuất khẩu không… chất lượng. Những vụ việc trên đã cảnh báo việc kinh doanh và sản xuất thực phẩm trên thị trường đây đó còn mang tính “chụp giựt” mà không chỉ tới thời vụ mới xuất hiện.

Hàng thời vụ kém chất lượng… vượt đại dương

Ngày 7/8, Phòng 3, Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an phối hợp với Công an huyện Củ Chi, TP. HCM đã làm việc với Công ty TNHH SX-TM Hải Minh (Công ty Hải Minh) có trụ sở tại ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi về lô hàng mà công ty này mới nhập về trong tháng 6 vừa qua. Lô hàng chứa trong 3 container 40' là 27,475 tấn mứt thập cẩm các loại, trị giá trên 48.000 USD từ Los Angeles, CA-USA vào Việt Nam qua Cảng Cát Lái theo Tờ khai Hải quan số 29867/NKD/KVI/CL ngày 13/6/2008.

Theo ông Đặng Văn Vui, Đại điện cho Công ty Hải Minh cho biết: Toàn bộ lô hàng mứt thập cẩm là do Công ty Hải Minh mua gom từ thị trường tại TP.HCM đưa về công ty đóng gói bao bì để xuất cho công ty đối tác Mỹ để bán... Nhưng do lô hàng sang tới nơi đã… qua Tết nên công ty phải nhập lại Việt Nam.

Ngày 22/7/2008, Viện Y tế công cộng TP.HCM đã có Công văn số 005276/KT thông báo lô hàng mứt thập cẩm các loại của Công ty Hải Minh không đạt chất lượng VSATTP và không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu. Nhập không được mà xuất cũng chẳng xong hiện lô hàng này đang được giao cho công ty bảo quản tại kho chờ xử lý còn vụ việc đã được giao cho Đội CSKT Công an huyện Củ Chi xử lý.

Ngày 10/9, Cục Hải quan TP HCM cũng vừa có quyết định sửa đổi việc tiêu hủy lô hàng vi phạm hành chính với số lượng 4.466kg bánh kẹo, rau câu các loại nhập khẩu từ Malaysia không đạt chất lượng nhập khẩu của Công ty cổ phần Hiệp Đạt (trụ sở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Điều tra đã làm rõ thì lô hàng trên theo Tờ khai Hải quan số 29447/NKD/KV1/CL qua kiểm nghiệm của Viện VSYT CC TP.HCM cho kết quả không đạt VSTP, quá hạn sử dụng. Cục Hải quan yêu cầu công ty phải tiêu hủy toàn bộ số lượng thực phẩm trên, cho phép đưa toàn bộ số lượng hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam từ khi nhận được công văn này trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt.

Thật giả giảm giá và lỗ hổng quản lý

Kết thúc đợt thanh tra bánh Trung thu tại TP.HCM vừa qua, Thanh tra Sở Y tế cũng đã phát hiện 42/156 cơ sở vi phạm VSATTP. Đình chỉ 4 cơ sở. Vi phạm chính trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu ở TP là ghi nhãn hàng hóa sai; nhân viên không được tập huấn kiến thức VSATTP; sản xuất, kinh doanh trong môi trường không đảm bảo vệ sinh; người lao động không được khám sức khỏe định kỳ... 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu vi phạm VSATTP đã bị phạt với số tiền 149 triệu đồng.

Khác bánh Trung thu là trong kỹ thuật làm mứt cho Tết do thiết bị hiện đại vẫn chưa thể thay thế cho các khâu sản xuất mang tính thủ công rất cao chính vì vậy các công ty lớn, thương hiệu mạnh vẫn chưa "bao sân" được và thị trường vẫn còn chỗ cho sản xuất nhỏ thủ công. Mà mùa Tết thì nhu cầu bánh mứt kẹo còn cao gấp bội mà lại đa dạng về chủng loại.

Và giáp Tết là lúc những cán bộ Thanh tra VSATTP vất vả. Đến đâu cũng thấy sai phạm, cũng mất vệ sinh.Vừa phải xử lý vừa giải thích. Do những quy định hiện hành còn "tạo điều kiện" cho sai phạm. Do người sản xuất thời vụ chỉ làm 2 tháng là kết thúc. Cấp GCN đủ điều kiện VSTP họ không tham gia, làm sao cấp giấy phép kinh doanh khi họ hoạt động có 2 tháng. Có thể phát hiện đầy rẫy những sai phạm nhưng chẳng thể xử lý đến nơi đến chốn và đến hẹn lại lên đến thời vụ lại làm, sai phạm nối tiếp sai phạm.

 Hai công ty bị ách hàng trên đều kinh doanh mặt hàng thời vụ. Việc xử lý nghiêm với những sai phạm của các doanh nghiệp trên là những bài học đắt giá cho những nhà kinh doanh. Những kiểu làm ăn "chụp giựt" chắc chắn không tồn tại được trong việc làm ăn với nước ngoài, mà ngay trong nước sản phẩm cũng sẽ dần bị tẩy chay

P.Nam - H.Nga
.
.
.