Hàng nội trước sức ép hàng lậu, hàng giả

Thứ Bảy, 04/04/2009, 17:59
Có rất nhiều loại mỹ phẩm nhập lậu, trôi nổi, không nhãn hiệu, không đăng ký chất lượng… vẫn bày bán công khai ngoài thị trường mặc dù các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra phát hiện, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chương trình "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" được phát động rộng rãi ít nhiều đã nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn chung trên thị trường, số lượng hàng Việt chất lượng cao - giá rẻ còn khá hạn chế trong kênh phân phối. Trong khi đó sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, giá lại rẻ hơn hàng nội đang bày bán tràn lan, buộc người tiêu dùng phải so sánh, lựa chọn…

Hàng dởm tràn lan

Theo khảo sát của chúng tôi, hàng Việt có thương hiệu, chất lượng cao chủ yếu phân phối tập trung ở hệ thống siêu thị, TTTM hoặc các cửa hàng, đại lý của công ty. Nếu so với các sản phẩm cùng loại mang thương hiệu nước ngoài thì hàng Việt có giá rẻ hơn gấp nhiều lần như:

Sơ mi cao cấp nhất của May 10 giá 976.000đ/chiếc, dòng sản phẩm bình dân từ 159.000 - 200.000đ/chiếc và mức trung bình 300.000 - 500.000đ/chiếc thì sản phẩm cùng loại của nước ngoài giá 1 - 1,5 triệu đồng/chiếc. Áo sơ mi thương hiệu CK giá 2.299.000đ/chiếc, trong khi sản phẩm may mặc Việt Nam có chất lượng tương đương giá chỉ vài trăm ngàn đồng…

Theo các chuyên gia, ở nước ta bán hàng qua hệ thống phân phối hiện đại chiếm 19,4% tổng doanh thu, cho thấy kênh phân phối này còn quá hạn chế để giới thiệu thương hiệu Việt. Trong khi đó, tại kênh phân phối truyền thống như: chợ, cửa hàng, thậm chí ở vỉa hè… hàng ngoại xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… được bày bán nhan nhản với giá rẻ hơn nhiều so với hàng nội.

Hàng chục loại mỹ phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng đang bày bán, nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng thật - hàng giả.

Tuy nhiên, chỉ đến khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì người tiêu dùng mới biết phần lớn đó là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc hàng nhập lậu.

Chẳng hạn, ngày 10/3, khi kiểm tra sạp 1P 16-17 lầu 1 TTTM An Đông, Đội QLTT 3A đã phát hiện tại đây kinh doanh 212 sản phẩm may mặc nhãn hiệu Adidas, Nike và tại cửa hàng 156 Nguyễn Trãi, có 65 đôi giày thể thao các loại hiệu Adidas, Nike, Puma, Lacoste (Trung Quốc sản xuất) tất cả đều không có hóa đơn chứng từ và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký.

Nguy hiểm hơn, có rất nhiều loại mỹ phẩm nhập lậu, trôi nổi, không nhãn hiệu, không đăng ký chất lượng… vẫn bày bán công khai ngoài thị trường mặc dù các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra phát hiện, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ

Thực tế cho thấy, do kênh phân phối hàng Việt còn hạn chế, nhiều thương hiệu Việt có chỗ đứng ổn định trên thị trường nhưng cũng bị làm nhái, làm giả như sản phẩm may mặc của Việt Tiến, May 10… buộc các nhà sản xuất phải thông báo rộng rãi đến người tiêu dùng về những dấu hiệu để nhận biết hàng thật - hàng giả chứ cơ quan bảo vệ pháp luật chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Phát - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Song Long cho rằng: Hiện nay, hệ thống siêu thị bắt đầu phát triển mạnh, sức tiêu thụ chiếm 40% so với kênh truyền thống nhưng những doanh nghiệp vừa, nhỏ, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa không thể xâm nhập vào hệ thống này.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Giám đốc Công ty Thành Công Mobile (TCM) cho rằng, TCM nhập khẩu hàng nhưng tái xuất rất khó, phải đăng ký trước nhưng làm như vậy thì  làm sao Việt Nam trở thành giao thương quốc tế. TCM sở hữu thương hiệu Bavapen là thương hiệu Việt, TCM mua mở nhà xưởng lắp ráp tại Việt Nam nhưng thuế nhập khẩu linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu nguyên chiếc. Vì vậy, chỉ có cách là gia công tại Trung Quốc mới có thể bán nổi tại Việt Nam. Không sản xuất, lắp ráp trong nước được, không tạo được công ăn việc làm… sẽ dẫn đến nhập lậu linh kiện và phụ kiện vào Việt Nam dễ dàng, vì thể tích của chúng rất nhỏ, không giúp hàng Việt Nam tới tay người Việt.

Ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về kinh doanh, sản xuất các loại hàng dởm trên của các cơ quan chức năng là giải pháp để giúp doanh nghiệp Việt Nam đủ sức phân phối, cạnh tranh ngay tại sân nhà

Thúy Hà
.
.
.