Hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thất thu?

Thứ Hai, 26/09/2011, 08:38
Văn bản số 836/TCHQ-GSQL ngày 7/3/2005 hướng dẫn phân loại, áp mã số hàng hóa nhập khẩu đối với lùa mì, nhóm 1104, thuế suất nhập khẩu là 20%. Nhưng ngày 11/5/2006, ông Nguyễn Ngọc Túc, Phó Tổng cục trưởng (nay là Tổng cục trưởng) Tổng cục Hải quan lại ban hành văn bản hướng dẫn áp thuế suất nhập khẩu mặt hàng này là 5%.

Trong quá trình hoạt động nghiệp vụ, Hải quan một số địa phương phát hiện giữa Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính có sự vênh nhau trong quy định áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này. Có hay không việc áp thuế sai? Nếu có, 2.400 tỷ đồng tiền thuế thất thu có được thu hồi không? Trách nhiệm của từng cá nhân liên quan có được làm rõ?

Cùng một câu hỏi, lại có hai đáp án

Ngày 7/3/2005, Tổng cục Hải quan có Văn bản số 836/TCHQ-GSQL về việc phân loại mặt hàng lúa mì do bà Đặng Thị Bình An, Phó Tổng cục trưởng ký nêu: "Trả lời Công văn số 210/PNV-T1 ngày 20/1/2005 của Cục Hải quan TP Hải Phòng về việc phân loại mặt hàng hạt lúa mì đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong, Tổng cục Hải quan có hướng dẫn: Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/6/2003 của Bộ Tài chính; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2003 ban hành theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/7/2003 của Bộ Tài chính; Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 29/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc phân loại hàng hóa theo danh mục hàng xuất nhập khẩu và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Biểu thuế xuất khẩu; Căn cứ chú giải 1(b) chương 10 của Danh mục dẫn trên thì mặt hàng hạt lúa mì đã sấy khô, đã tách phần vỏ trấu ngoài, vẫn còn vỏ lụa bên trong (đã sơ chế), đã xay xát hoặc chưa qua xay xát phân loại vào chương 11". Theo văn bản này thì thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng này là 20%.

Hai văn bản hướng dẫn khác nhau của Tổng cục Hải quan.

Cũng về việc phân loại mặt hàng lúa mì, ngày 11/5/2006, ông Nguyễn Ngọc Túc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có Văn bản số 2047/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan TP Hải Phòng lại nêu: Ngày 7/3/2005, Tổng cục Hải quan có Công văn số 836/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan TP Hải Phòng hướng dẫn phân loại mặt hàng hạt lúa mì đã qua sấy khô, đã tách phần vỏ trấu ngoài, vẫn còn vỏ lụa bên trong (đã sơ chế). Quá trình thực hiện, Tổng cục nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp đề nghị xem xét lại mặt hàng trên.

Sau khi trao đổi với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục hướng dẫn: Căn cứ danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu ban hành theo Quyết định 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/6/2003 của Bộ Tài chính; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi 2003 ban hành kèm theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/7/2003 của Bộ Tài chính; Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 29/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện phân loại hàng hóa theo danh mục xuất nhập khẩu và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Biểu thuế xuất khẩu thì: Mặt hàng lúa mì dạng hạt, đã tách phần vỏ ngoài còn vỏ lụa bên trong, chưa xát vỏ hoặc sơ chế thuộc chương 10, nhóm 1001". Như vậy, thuế nhập khẩu với mặt hàng lúa mì theo văn bản hướng dẫn này là 5%.

Tại sao cùng hướng dẫn phân loại mặt hàng hạt lúa mì, hai lãnh đạo Tổng cục Hải quan lại có hai câu trả lời khác nhau? Đáng chú ý là cả hai văn bản trả lời đều dẫn những căn cứ đã quy định trong cùng một quyết định, thông tư, biểu thuế của Bộ Tài chính.

Phải chăng là do cách hiểu, cách áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của những người ra văn bản này là khác nhau? Vậy thì ai đúng, ai sai? Và sự khác nhau này dẫn đến chênh lệch 15% thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng hạt lúa mì. Từ việc này sẽ kéo theo số tiền thuế chênh lệch cũng rất lớn. Nếu việc áp thuế nhập khẩu mặt hàng này sai đương nhiên dẫn đến việc Nhà nước thất thu số tiền thuế rất lớn.

Áp đặt?

Ngày 10/3/2008, Cục Hải quan Quảng Ninh có Văn bản số 259/HQQN-NV gửi Tổng cục Hải quan về việc phân loại, áp mã mặt hàng lúa mì. Văn bản nêu: "Ngày 11/5/2006, Tổng cục Hải quan có Công văn số 2047/TCHQ-GSQL hướng dẫn phân loại mặt hàng: "Lúa mì dạng hạt, đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong, chưa xát vỏ hoặc sơ chế thuộc chương 10, nhóm 1001".

Trên thực tế, khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng trên qua Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, doanh nghiệp khai tên hàng là: "Lúa mì dạng hạt chưa qua xay xát vỏ, chưa qua chế biến, độ ẩm tối đa 12,5%, tạp chất tối đa 1%, hạt màu tối đa 5%".

Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái xác định tên hàng là: "Hạt lúa mì đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong". Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/6/2003 của Bộ Tài chính; Thông tư 85/2003/TT-BTC ngày 29/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ Tài chính thì Chương 10 không bao gồm: "Các loại hạt đã xay xát hoặc chế biến khác".

Như vậy, mặt hàng "lúa mì đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong" phải được phân loại vào chương 11, nhóm 1104. Cục Hải quan Quảng Ninh báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hải quan đối với áp mã mặt hàng này".

Mặc dù đã chỉ ra những căn cứ cho rằng, Văn bản số 2047/TCHQ-GSQL ngày 11/5/2006 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn phân loại mặt hàng "lúa mì dạng hạt, đã tách vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong, chưa xát vỏ hoặc sơ chế thuộc chương 10, nhóm 1001" là không phù hợp với quy định của Bộ Tài chính nhưng trong Công văn số 1579/TCHQ-GSQL, ngày 7/4/2008 trả lời Cục Hải quan Quảng Ninh, Tổng cục Hải quan vẫn nêu: "Tổng cục đã có công văn số 2047/TCHQ-GSQL ngày 11/5/2006 gửi Cục Hải quan Hải Phòng và các đơn vị liên quan, đề nghị Cục Hải quan Quảng Ninh thực hiện theo đúng hướng dẫn".

Chênh lệch thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì đã qua sơ chế lên tới 4 lần. Trên tờ Thời nay (ấn phẩm của Báo Nhân dân) số ra ngày 22/9/2011 nêu: "Theo thống kê của Hải quan các địa phương, trong 5 tháng đầu năm 2010, tổng mức thuế đã thu từ mặt hàng này với mức thuế suất 5% là 801,4 tỷ đồng. Nếu áp đúng thuế suất 20% thì số tiền thu ngân sách là 3.205,4 tỷ đồng. Như vậy, Nhà nước đã thất thu 2400 tỷ đồng".

Nếu tính từ năm 2006 đến nay, con số tiền thuế thất thu từ nhập khẩu mặt hàng này sẽ lớn hơn nhiều. Để biết chính xác, cơ quan có thẩm quyền cần phải có cuộc thanh tra, kiểm tra tổng thể. Nếu có sai sót trong việc áp sai mã thuế nhập khẩu, phải truy thu thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu, đồng thời làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.

Xung quanh vấn đề này, Báo CAND sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời phản ánh những thông tin mới nhất đến bạn đọc

Nhóm PVPL
.
.
.