Hàng nghìn doanh nghiệp..."bốc hơi"

Thứ Hai, 01/09/2008, 17:29
Theo cơ quan chức năng ở Hải Phòng, hiện địa phương có tới hàng nghìn doanh nghiệp (DN) không hoạt động, không hiện diện tại trụ sở, địa điểm kinh doanh. Những DN này thoắt ẩn, thoắt hiện và khi lộ tẩy, đã "cao chạy xa bay".

Gia tăng các doanh nghiệp "ma"

TP Hải Phòng hiện có khoảng 13.000 DN được cấp đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Trung bình mỗi năm, địa phương này có tới 3.000 DN được thành lập. Việc có nhiều DN ra đời, hoạt động như vậy, lẽ ra phải mừng. Nhưng ở đây, mừng ít, lo nhiều, bởi số DN đã ĐKKD, thực chất hoạt động chỉ chiếm chưa đến 1/2. Số còn lại làm ăn nhì nhằng, chụp giật, vi phạm pháp luật, thậm chí thành lập DN chỉ nhằm mục đích buôn bán hoá đơn.

Số liệu thống kê của cơ quan chức năng ở Hải Phòng cho hay, hiện có tới hàng nghìn DN trên địa bàn không hoạt động, không hiện diện tại trụ sở, địa điểm ĐKKD. Chỉ tính từ năm 2005-2007, đã có tới gần 400 DN "mất tích" (riêng năm 2007 là 334 DN). Thật là một con số kỷ lục.

Khi những DN này "lặn", họ cũng đã "ẵm" gọn 77.000 hoá đơn (76.000 hoá đơn đã sử dụng), cùng hàng chục tỷ đồng tiền thuế các loại. Chưa kể, hàng trăm DN tuy không biến mất khỏi địa điểm đăng ký nhưng ngừng hoạt động.

Mới đây, Sở KH&ĐT Hải Phòng đã kiểm tra nội dung ĐKKD của 500 DN tại 6 quận, huyện, phát hiện 200 DN có vi phạm, chiếm tỉ lệ 40% số DN được kiểm tra. Riêng 3 quận, huyện: Hồng Bàng, Ngô Quyền, An Dương, mới kiểm tra 269 DN, đã phát hiện 84 DN ngừng hoạt động, 76 DN không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký.

Đâu là nguyên nhân chính?

Cũng theo cơ quan chức năng ở Hải Phòng thì, hầu hết những DN bỏ trốn, "mất tích" đều là những DN nhỏ, vốn đăng ký thấp, ngành nghề kinh doanh chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại lâm vào tình trạng làm ăn kém hiệu quả, cộng với nhận thức của chủ DN hạn chế nên không còn nhu cầu kinh doanh hoặc chuyển hướng đầu tư mà không làm thủ tục giải thể, đóng mã số thuế.

Một số lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước, đăng ký thành lập DN để hưởng ưu đãi thuế, hết thời hạn ưu đãi lại ngừng kinh doanh mà không làm thủ tục giải thể hoặc thành lập DN để mua bán hoá đơn bất hợp pháp, kinh doanh trốn thuế, hợp thức hoá hàng lậu, thậm chí nhiều công ty có hành vi lừa đảo…

Những ý kiến khác lại cho rằng, sự thông thoáng của luật pháp cộng với sự khuyến khích của Nhà nước đã tạo kẽ hở để những người có động cơ xấu, làm ăn chụp giật, phi pháp lợi dụng. Bởi vì, căn cứ vào các quy định hiện hành thì thủ tục đầu tư, đăng ký thành lập DN hết sức dễ dãi, đã thu hẹp đối tượng thuộc diện phải làm thủ tục đăng ký đầu tư và dự án phải thẩm tra, vốn pháp định bắt buộc phải chứng minh.

Thậm chí, làm giám đốc lại càng dễ, vì giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương không đề cập tới nhân thân người làm giám đốc, nhưng cũng không bị ai bắt bẻ gì(?!). Vả lại, khi đã thành… giám đốc, chỉ cần biết ký tên, giữ giấy tờ, còn nội tình DN ra sao, làm gì, ở đâu, không cần biết(?!).

Đương nhiên, đó là những nguyên nhân không thể phủ nhận. Nhưng theo chúng tôi, mấu chốt nhất vẫn là công tác hậu kiểm của các cơ quan chức năng ở Hải Phòng thời gian qua đã bị buông lỏng hoặc quá lơ là, xem thường. Thêm vào đó, chưa có sự phối hợp đồng bộ, kết gắn chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng: KH&ĐT, Thuế, Công an với chính quyền cơ sở.

Dường như có tình trạng, sân ai, nấy lo; việc ai, nấy làm. Chỉ đến khi vụ việc vỡ lở, đối tượng làm ăn phi pháp "cao chạy xa bay" hoặc "mất tích", tất cả mới "vào cuộc" thì… sự đã rồi(?!).

Phòng ngừa là chủ yếu

Được biết năm 2007, Sở KH&ĐT đã rút ĐKKD của 69 DN, riêng 7 tháng đầu năm 2008 cũng đã rút ĐKKD của 32 DN và khoảng vài chục DN khác sắp bị xử lý. Về phía cơ quan hành pháp, từ đầu năm đến nay, Công an huyện An Dương cũng đã thực thi nhiệm vụ cấp trên giao, bắt giữ 10 giám đốc, đang truy nã 5 giám đốc khác có hành vi vi phạm pháp luật. Dẫu có chậm trễ, nhưng nó thể hiện sự kiên quyết, đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Tuy  nhiên, có một thực tế là núp sau những DN "ma" và những giám đốc rởm kia, là những đối tượng gian manh với những thủ đoạn hết sức tinh quái, luôn nhằm vào kẽ hở của luật pháp cũng như sự thiếu hiểu biết của người dân để lợi dụng, đưa ra các chiêu lừa ngoạn mục, khiến cơ quan chức năng không kịp trở tay.

Vì thế, nếu chỉ chú trọng xử lý những việc "đã rồi" thì e vấn đề này sẽ còn rất nan giải và hậu quả cũng sẽ khôn lường. Bởi vậy, vấn đề phòng ngừa thông qua tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của DN phải được đặc biệt coi trọng.

Muốn vậy, từng ngành, từng cơ quan chức năng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan như: Cấp phép đầu tư, Thuế, Công an ở cả trong và ngoài địa bàn.

Nếu làm được như vậy chắc chắn sẽ ngăn chặn được hành vi gian lận, tiêu cực ngay từ đầu của DN. Và như vậy cũng có nghĩa, những DN chủ trương làm ăn phi pháp sẽ không có đất để tồn tại

Lệ Thu
.
.
.